Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên 2/7: Kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng thị trường chứng khoán vẫn giảm điểm mạnh?

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mở cửa tuần, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục giảm mạnh điểm ở cả 3 chỉ số. Mặc dù, vào cuối tuần trước Tổng Cục thống kê đã công bố mức tăng trưởng GDP trong 6 tháng tăng 7,08% đạt hơn mục tiêu và cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Lực bán ồ ạt

Ngay đầu phiên sáng, lực bán ồ ạt diễn ra trên diện rộng, khiến cho các chỉ số mở cửa trong sắc đỏ. Trên sàn HOSE, hàng loạt mã cổ phiếu vốn hoá lớn lao dốc mạnh, khiến cho VN-Index giảm sâu, rơi xuống ngưỡng 937 điểm, mất 23 điểm.

Nhóm VN30 phiên sáng nay, chỉ còn duy nhất mã EIB đứng ở mức tham chiếu, còn lại đều giảm giá, trong đó có nhiều mã giảm sàn. Cụ thể, giảm mạnh là các mã VHM mất 1,25%, xuống 111.000 đồng/CP. VCB giảm mạnh 3,28%, xuống 56.100 đồng/CP. GAS giảm 3,16%, xuống 85.700 đồng/CP. TCB giảm 3,27%, xuống 88.700 đồng/CP. CTG giảm 4,54%, xuống 23.150 đồng/CP. BID giảm 4,04%, xuống 24.950 đồng/CP. MSN giảm 3,8%, xuống 76.000 đồng/CP. SAB giảm 1,33%, xuống 222.500 đồng/CP. VIC giảm nhẹ 0,56%, xuống 106.900 đồng/CP và VNM giảm nhẹ.
 Trên bảng điện tự nhuốm màu đỏ, các mã lớn vẫn giảm mạnh khiến cho các chỉ số chứng khoán giảm sâu.
Các mã giảm từ trên 5% đến giảm sàn là BVH, MBB, ROS, BHN, SSI, PNJ, GEX, VCI, YEG, DXG, HCM, HSG … Trong đó, HCM, HSG, YEG DXG giảm sàn.

Mặc dù cuối phiên chỉ số quay đầu nhích tăng nhưng VN-Index vẫn giảm 21,38 điểm. Đóng cửa phiên sáng, với 42 mã tăng, có tới 242 mã giảm, chỉ số VN-Index đứng ở mức 939,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 80,78 triệu đơn vị, giá trị 1.739 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.
Mã vốn hoá lớn vẫn là lực cản của thị trường

Bước vào đầu phiên chiều, nhóm vốn hoá lớn vẫn đỏ sàn khiến cho chỉ số VN-Index rơi mạnh xuống mức 932 điểm. Rất may lực cầu bắt đáy sau đó xuất hiện ở nhiều cổ phiếu nhỏ và một số mã ngân hàng đã hãm đà rơi của chỉ số. Tuy nhiên, các cổ phiếu lớn cũng chỉ có 4 mã đảo chiều thành công, số còn lại vẫn là gánh nặng cho thị trường, khiến VN-Index không thể thoát đỏ.

Các mã vãn còn giảm mạnh, gây áp lực lên thị trường là; MBB giảm hơn 5%. TCB, CTG và BID giảm trên 4%. STB giảm 3,9% xuống 11.100 đồng/CP. TPB giảm 1,82% xuống 27.000 đồng/CP. EIB phiên sáng đứng tham chiếu thì chiều lại mất 1,38%, xuống 14.300 đồng/CP. Các YEG, VCI, HCM, HSG, SBT, PNJ, CVT, ANV, SJF … vẫn đóng cửa ở mức giảm sàn. DXG tuy thoát mức giảm sàn nhưng đóng cửa vẫn mất 3,13%, xuống 26.300 đồng với 7 triệu đơn vị được khớp. Cùng khớp với khối lượng lớn 7,55 triệu đơn vị, mã SSI tuy cắt giảm sàn đứng phiên mất 3,51% giá, xuống 27.500 đồng/CP.

Tuy nhiên, nhóm VN30 trong phiên chiều đã được nhà đầu tư bắt đáy giúp cho nhiều cổ phiếu bật tăng. Trong đó các mã VNM, VCB, HDB, NVL, SAB chuyển từ giảm nhẹ lên xanh nhạt. SAB tăng tốt 2%, lên 230.000 đồng/CP. HPG, PLX, BHN từ giảm sâu trở về tham chiếu. Các mã VHM, VIC và GAS hạn chế đà rơi.

Đóng cửa phiên chiều, với 62 mã tăng, trong khi có tới 237 mã giảm, trong đó VN30 vẫn còn 23 mã giảm, VN-Index giảm 13,63 điểm xuống 947,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 168,21 triệu đơn vị, giá trị 4.087,29 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng, ngược lại giảm nhẹ về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Trên sàn HNX cũng có diễn biến tương tự HOSE. Các mã vốn hoá lớn giảm mạnh ngay đầu phiên sáng. Sang đầu phiên chiều, một số mã quay đầu tăng giá nhờ lực bắt đáy đã kéo HNX-Index bật tăng hơn 2 điểm lên 104 điểm, sau đó quay đầu giảm mất gần 2 điểm và suýt về mức thấp nhất ngày. ACB giảm tới 6,45%, xuống 33.300 đồng/CP, khớp trên 6,5 triệu đơn vị. SHB giảm 4,88%, xuống 7.800 đồng/CP, cũng khớp trên 6,5 triệu đơn vị. PVS giảm 3,47%, xuống 16.700 đồng/CP, khớp trên 4,6 triệu đơn vị …

Đóng cửa phiên, với 50 mã tăng và 110 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 3,4 điểm xuống 102,76 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 43,79 triệu đơn vị, giá trị 710 tỷ đồng, tăng 53% về khối lượng và 67,6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.
Sàn UPCoM cũng diễn biến tương tự 2 sàn trên và đóng cửa chỉ số UPCoM-Index đứng ở mức thấp nhất ngày.

Kết thúc phiên, với 37 mã tăng, trong khi có tới 115 mã giảm UPCoM-Index giảm 1,14 điểm xuống 50,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 10 triệu đơn vị, giá trị 196 tỷ đồng.
Phiên hôm nay khối ngoại đã quay lại mua ròng trên cả 3 sàn với hơn 9,52 triệu đơn vị, tương ứng giá trị mua ròng 285,39 tỷ đồng. Phiên trước, khối ngoại  bán ròng hơn 3,23 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 265,26 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù nền kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng tốt nhưng thị trường chứng khoán lại giảm mạnh là do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD khiến cho lợi tức trái phiếu tăng mạnh. Do đó nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh nắm giữ cổ phiếu. Thị trường chứng khoán quốc tế giảm, tác động vào thị trường trong nước.