Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Hứa hẹn nhiều đổi mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Là tuần cuối cùng của kỳ họp, hôm nay QH sẽ thảo luận 2 dự án luật sửa đổi đều liên quan đến quyền lợi trực tiếp của mỗi người dân. Đó là 2 dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Ngày mai, (23/11), QH bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
 
Theo chương trình, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ chất vấn 5 bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ cũng đăng đàn làm rõ các vấn đề lớn và trả lời chất vấn của đại biểu QH. Điều đặc biệt trong kỳ chất vấn này là lần đầu tiên Chính phủ khóa mới trả lời chất vấn của QH cũng là khóa mới. Trong đó có 3/5 vị lần đầu tham gia thành viên Chính phủ và cũng là lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn. Ngoài hai vị bộ trưởng từ khóa trước là Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn các vấn đề liên quan, cử tri đang rất quan tâm đến việc đăng đàn của 2 bộ trưởng mới GTVT và Tài chính.
 

Dự kiến, nhiều vấn đề được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm sẽ được đề cập như vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, vấn đề giảm nghèo; các giải pháp hạn chế tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; công tác điều hành, quản lý giá theo cơ chế thị trường; biện pháp giảm bội chi ngân sách, nợ công bảo đảm an ninh tài chính; giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bình ổn thị trường tiền tệ; chất lượng giáo dục, đào tạo, vấn đề quy hoạch, thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ, dạy thêm, lạm thu, thiếu trường mầm non…

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, điểm mới của việc chất vấn và trả lời chất vấn là các ý kiến chất vấn được tập trung vào nhóm vấn đề, không dàn trải hoặc đi vào những vấn đề quá vĩ mô. Các câu hỏi quá cụ thể, mang tính địa phương, các bộ trưởng sẽ ghi nhận lại và trả lời sau. Câu hỏi của ĐBQH chỉ được kéo dài 2 phút nên cần đi ngay vào vấn đề quan tâm. Bộ trưởng cũng không đọc văn bản trả lời chuẩn bị sẵn. Đặc biệt, lần này QH sẽ lựa chọn vấn đề để ra nghị quyết và xem đó là cơ sở để giám sát trong quá trình hậu chất vấn.

Nhiều ĐBQH cũng kỳ vọng, khi trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ cần nêu giải pháp để làm tốt công việc chứ không phải chỉ là hứa. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi mong muốn: "Tại phiên chất vấn đầu tiên của khóa này, tôi hy vọng các đại biểu đặt câu hỏi xác đáng, trình bày đúng trọng tâm hơn. Các thành viên Chính phủ trả lời bám sát vào các vấn đề và hy vọng sẽ trình bày giải pháp để giải quyết. Còn việc cam kết chỉ là một phần, để thể hiện quyết tâm và cũng là sự đảm bảo các giải pháp, biện pháp nêu ra sẽ đi đến kết quả. Tôi không đặt cao việc cam kết, quan trọng là giải pháp để làm tốt công việc của mình chứ không phải là hứa những gì". Còn đại biểu Bùi Thị An cũng kỳ vọng, các Bộ trưởng sẽ cam kết thực hiện được những điều đã hứa trước QH. Đó cũng là mong đợi của các cử tri, nhân dân cả nước đối với kỳ họp này.

Không xã hội hoá giám định pháp y

Sáng 21/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giám định tư pháp. Đa số đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về việc bỏ hay không bỏ bộ phận giám định viên pháp y ở tổ chức giám định tư pháp, xã hội hoá lĩnh vực giám định tư pháp.

ĐB Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) nêu ý kiến: Chưa nên xã hội hoá lĩnh vực giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự, vì nhiều khi các vụ án kéo dài đợi kết quả giám định. Nếu kết quả giám định mà do tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện, sẽ có hiện tượng “chạy” kết quả giám định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kết tội, xử phạt đối tượng và nhiều khi ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của những người liên quan đến vụ án. Vụ việc sẽ trở nên phức tạp hơn nếu kết quả giám định bị đem ra mua bán dẫn đến khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Cũng tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến tập  trung bàn về vấn đề nên giữ nguyên giám định pháp y trong công an tỉnh. ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) mong muốn các ĐBQH ủng hộ giữ nguyên giám định viên pháp y trong lực lượng công an tỉnh để 213 giám định viên pháp y cùng 96 y sĩ, y tá được ổn định công việc và cống hiến cho Tổ quốc.

Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Biển Việt Nam.