Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên giao dịch chiều 8/4: Lực cản vô hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như vậy, kỳ vọng về đợt sóng mới đã không xảy ra, mà thị trường đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại chỉ sau 1 phiên tăng giống như phiên 31/3 và 2/4. Dường như thị trường đang chịu lực cản vô hình nào đó trên con đường hồi phục của mình.

Thị trường phiên sáng nay giao dịch hết sức ảm đạm khi cả 2 bên cung-cầu đều tỏ ra cẩn trọng quá mức. Bên nắm giữ tiền mặt chỉ đặt mua giá thấp, trong khi bên nắm giữ cổ phiếu dè dặt chốt lời. Thị trường theo đó chỉ dập dìu theo chiều hướng giảm dần, thanh khoản lại trở về mức thấp.

Trong phiên chiều, diễn biến cũng không có gì đột biến, có chăng chỉ là sự cải thiện nhẹ về mặt thanh khoản nhờ vào hoạt động giao dịch thỏa thuận. Việc lượng cung giá thấp gia tăng, nhưng cầu mua cũng không hào hứng khiến cả 2 chỉ số gần như giao dịch dưới tham chiếu trong cả phiên chiều.
Phiên giao dịch chiều 8/4: Lực cản vô hình - Ảnh 1

 
 
Đóng cửa, với 109 mã giảm và 98 mã tăng, VN-Index giảm 0,39 điểm (-0,07%) xuống 547,72 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 1,75 điểm (-0,3%) xuống 575,94 điểm với 16 mã giảm và 5 mã tăng.

Tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt 80,15 triệu đơn vị, giá trị 1.340,99 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận bất ngờ được đẩy mạnh trong phiên chiều nay, đạt 5,93 triệu đơn vị, giá trị gần 124 tỷ đồng. Đáng chú ý có 2 triệu đơn vị HQC thỏa thuận ở mức giá trần, trị giá 13,8 tỷ đồng. Ngoài PNJ, nhiều cổ phiếu khác cũng được thỏa thuận ở mức trần như MBB (25.000 đơn vị), PNJ (260.400 đơn vị), REE (280.000 đơn vị), VNS (45.000 đơn vị)...

Trên HNX, với 101 mã giảm và 76 mã tăng, HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,25%) xuống 82,12 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,99 điểm (-0,64%) xuống 154,11 điểm với 16 mã giảm và 9 mã tăng.

Tổng giá trị giao dịch trên HNX đạt 36,53 triệu đơn vị, giá trị 456,8 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,14 triệu đơn vị, giá trị 90,95 tỷ đồng. Đáng chú ý có 1,5 triệu đơn vị OCH, trị giá 34,65 tỷ đồng; 2,45 triệu đơn vị SDA, trị giá 27,57 tỷ đồng; 1 triệu đơn vị KSK, trị giá 3,3 tỷ đồng...

Áp lực bán gia tăng khiến hầu hết các mã trong nhóm VN30 giảm điểm, nhưng mức giảm không lớn. Nhóm ngân hàng chỉ còn sắc xanh nhẹ tại BID, trong khi CTG, EIB, MBB và STB đứng tham chiếu, VCB vẫn giữ sắc đỏ. Trong đó, CTG khớp 3,13 triệu đơn vị, VCB và STB cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị. PVD bị chốt lời mạnh nên từ mức giá xanh, quay đầu giảm 400 đồng xuống 45.600 đồng/CP và khớp được 1,19 triệu đơn vị. GAS giữ nguyên mốc tham chiếu.

Ngược lại, CII tiếp tục gây chú ý khi bất ngờ được giao dịch mạnh trong phiên chiều nay, dù thanh khoản kém nhiều so với phiên hôm qua. Lực cầu tăng mạnh giúp CII từ mức giá đỏ, đảo chiều tăng khá mạnh 700 đồng lên 20.000 đồng/CP và khớp được 4,4 triệu đơn vị.

FLC giảm 200 đồng xuống 10.500 đồng/CP và khớp 7,37 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn HOSE. ITA và OGC cùng giảm 1 bước giá, khớp tương ứng 2,2 triệu và 1,5 triệu đơn vị.

Mã HAI lại duy trì được sắc xanh với mức tăng 300 đồng lên 11.400 đồng/CP và khớp 6,6 triệu đơn vị.

Ngoài các mã trên, dòng tiền vẫn tập trung nhiều vào các mã khác như GNT, HHS, JVC cùng khớp trên 2 triệu đơn vị; DLG, HQC, VHG, CDO cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm sông Đà và dầu khí cùng bị yếu đà, dù sức ép bán không quá mạnh, nhóm chứng khoán, ngân hàng đa phần cũng giao dịch dưới tham chiếu, HNX-Index theo đó mà nới rộng đà giảm.

SHB và ACB cùng giảm 1 bước giá, trong đó SHB khớp 1,2 triệu đơn vị. FIT và KLF cùng lùi sâu hơn so với phiên sáng. KLF khớp 2,7 triệu đơn vị, FIT khớp hơn 4 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn HNX.

Mã PXA giữ sắc tím, nhưng cũng “bất động” hẳn trong phiên chiều khi giữ nguyên mức khớp 2,2 triệu đơn vị từ phiên sáng.

Trong khi đó, SHN đã được đẩy lên mức trần, nhưng thanh khoản cũng kém xa so với phiên trước, khớp lệnh chưa tới 900.000 đơn vị.