Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10: Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 5/11, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019. Ảnh: Thống Nhất
Kinh tế vĩ mô ổn định
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 chiều cùng ngày (5/11) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp diễn ra trong bối cảnh chúng ta đã sắp đi hết chặng đường của năm 2019. Về tình hình kinh tế - xã hội, trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp" (tăng trưởng thấp, thương mại - đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp), các tổ chức quốc tế tiếp tục nhận định lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam. Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), phần lớn hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có ký kết FTA. Vì vậy, nhiều DN đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được ưu đãi.
DN Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, thường xuyên theo dõi cảnh báo của Bộ Công Thương để biết mặt hàng nào đang có nguy cơ cao bị điều tra “chống lẩn tránh”. Đặc biệt, tránh nhập nguyên liệu từ các nước, vùng lãnh thổ đang bị Mỹ đánh thuế cao để sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ. Để tránh thiệt hại cho các ngành hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết về các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng
Đối với thị trường tiền tệ, mặc dù chịu nhiều sức ép do biến động của thị trường thế giới, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung... nhưng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với thị trường, nên mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng vẫn tương đối ổn định, thanh khoản được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt kết quả tích cực, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI đạt khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Xuất siêu khoảng 7 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, số DN thành lập mới 10 tháng tiếp tục phát triển với quy mô vốn đăng ký bình quân một DN tăng mạnh, đạt 12,5 tỷ đồng. Cả nước có 114.400 DN đăng ký thành lập mới và có 34.900 DN quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch sôi động, tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người, tính chung 10 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được nâng cao, xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được bảo đảm và thực hiện tốt.
Bộ KH&ĐT cho rằng, vào thời điểm gần hết năm, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt cao hơn 6,8%. Việt Nam là quốc gia duy nhất thuộc Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 với hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.
Hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế - xã hội 2019
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế. Đó là dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2019. Đồng thời nhiều mặt hàng nông sản giá xuống thấp. Bên cạnh đó, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2015 - 2019. Một vấn đề khác phải rất lưu ý trong thời gian tới và phải thúc đẩy là tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm giảm 15,2% so với cùng kỳ. Phát sinh nhiều vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự.
Liên quan đến vấn đề về xuất xứ hàng hóa đang nóng trong dư luận, trả lời tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho DN trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại mà các nước đang điều tra. Đồng thời tăng các giải pháp chống gian lận, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mục tiêu thúc đẩy để hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2019 và chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch 2020 khi mà tình hình quốc tế rất khó khăn. Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công…
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao (dự kiến, có 5 chỉ tiêu vượt). “Quan trọng là chúng ta cần phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, thậm chí hơn nữa. Điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô và phải được vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu xây dựng phương án kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh một cách thực chất hơn nữa, lấy người dân, DN làm trung tâm. Đây phải trở thành một cuộc cách mạng thực sự để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một đất nước đổi mới sáng tạo và có tính cạnh tranh cao.