Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên thảo luận về KT – XH và ngân sách của Quốc hội: Sôi nổi, trách nhiệm, quyết liệt, tính phản biện cao

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong tuần đầu khai mạc, Quốc hội đã dành 1,5 ngày thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018 và tình hình ngân sách nhà nước năm 2016. Cả 3 phiên thảo luận đều diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, quyết liệt, mang tính xây dựng. Nội dung các ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, mang tính phản biện cao.

 Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 26/5. Ảnh: Quốc hội.
Hơn 90 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm qua 25/5 và sáng 26/5 làm việc tại Hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó, có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017) và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các ĐB bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.
Đoàn Chủ tịch gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (buổi sáng); Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Ủy ban Kinh tế: Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh; Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải; Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bộ Tài chính: Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng; Phó Tổng Thư ký Quốc hội: Lê Bộ Lĩnh.
Nửa đầu phiên thảo luận buổi sáng ngày 25/5, đã có hơn 90 ĐB đăng ký phát biểu, cho thấy tinh thần làm việc trách nhiệm của các ĐB. Kết thúc hai phiên thảo luận sáng và chiều 25/5, đã có 42 đại biểu đăng đàn, 8 ý kiến tranh luận.
 Các ĐB tại phiên thảo luận sáng 26/5.
Tranh luận gay gắt về “khoảng lặng” tăng trưởng kinh tế phụ thuộc khai thác dầu thô, khai khoáng
Trong đó, tranh luận gay gắt nhất là về vấn đề “khoảng lặng kinh tế” liên quan tới việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào khai thác dầu thô và khai khoáng được ĐB Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nêu lên.
Cụ thể, ĐB Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
 ĐB Hoàng Quang Hàm cho nêu vấn đề khoảng lặng kinh tế liên quan tới việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào khai thác dầu thô và khai khoáng. Ảnh: Quốc hội.
"Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ĐB Hàm nói.
Sau khi ĐB Hàm phát biểu, ngay lập tức, ĐB Trần Quang Chiểu giơ biển tranh luận với ý kiến trên. ĐB Chiểu nhấn mạnh: Khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn. Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.
ĐB Chiểu khẳng định: "Đây là số liệu Chính phủ gửi đại biểu, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói năm 2017 khai thác vượt 1,2 triệu tấn dầu thô để bù đắp tăng trưởng thì số liệu ở đâu tôi không rõ", ông Chiểu nói và nhấn mạnh quan điểm của mình là, "ấn tượng với năm 2017, năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng".
Ngay lập tức, ĐB Hoàng Quang Hàm có ý kiến trao đổi lại với ĐB Chiểu và khẳng định: “Bản thân cũng thống nhất với báo cáo Chính phủ về việc đã "giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, dầu thô trong tăng trưởng".
Về số liệu đại biểu Chiểu nói "không biết lấy từ đâu ra", ông Hàm dẫn lại báo cáo số 193 của Chính phủ ngày 16/5, theo đó sản lượng khai thác dầu cả năm 2017 đạt 13,57 triệu tấn, tăng 1,29 triệu tấn; "nghĩa là chúng ta đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng GDP". 
 ĐB ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN.
"Tôi đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì đây là của để dành", song bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất", ĐB Hàm nhấn mạnh.
Bên hành lang quốc hội ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) chi sẻ: Những tranh luận về vấn đề tăng trưởng kinh tế có hay không phụ thuộc vào khai thác dầu thô và khai khoáng của các ĐB trong nửa đầu phiên thảo luận sáng nay thể hiện tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng. Có một số ý kiến trái chiều về vấn đề này, tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không còn phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác dầu thô và khai khoáng. Thực tế, Năm 2017, chúng ta đã tăng trưởng âm về khai thác dầu thô và khai khoáng và tăng trưởng chủ yếu đến từ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
“Tuy vậy, chúng ta cũng không được ngủ quên trên chiến thắng, với tinh thần xây dựng, các đại biểu cũng đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ những cần tăng cường cơ chế, chính sách cho khối sản xuất vì sự tăng trưởng của khối này mới tạo nền tảng tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế”, ĐB Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.
Tranh luận quyết liệt liên quan đến vụ bác sĩ Hoàng Công Lương
Một vấn đề khác được các ĐB Quốc hội tranh luận quyết liệt liên quan đến ý kiến của ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa)- Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội: “Tôi thấy nếu kết tội như thế này rất ảnh hưởng đến rất lớn đến ngành y tế. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói thêm về vấn đề này. Cá nhân tôi thấy bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội”.
 ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa): ''Cá nhân tôi thấy bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội''. Ảnh: Quốc hội.
Tranh luận vấn đề này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh - Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hoà Bình cho rằng, sự quan tâm của ĐB về vụ án xử bác sĩ Hoàng Công Lương đang diễn ra ở Hoà Bình là cần thiết, thể hiện trách nhiệm trước Nhân dân. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh: "Nếu ĐB Quốc hội cứ nói vụ án này có oan, sai trong lúc tòa đang xử thì sẽ là cảm tính, mang tính dẫn dắt dư luận. Tòa án đang trong quá trình tranh tụng, luận tội chứ chưa kết án, những phát ngôn như vậy không mang lại sự thuận lợi và nhận thức đúng đắn trong xét xử nhân danh pháp luật, nhà nước".
 ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội)- Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội giơ biển tranh luận. Ảnh: Quốc hội.
Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội bày tỏ không đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Tiến Sinh. ĐB cho rằng, thực tế không như đại biểu Sinh nói. Với tư cách Giáo sư trong ngành y và cũng là ĐB Quốc hội, ĐB Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, cử tri quan tâm tới sự minh bạch, khách quan và công tâm của phiên xử.
Ông khẳng định: "Chúng ta không thể xử một người về trách nhiệm mà họ không được giao; không thể truy tội cho mội người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện quy trình mà quy trình đó không có, đúng ra vừa có vào tháng 4/2018".
"Không thể quy trách nhiệm bác sĩ chỉ biết cứu người, trách nhiệm về những công việc họ không được giao, kỹ năng họ không được đào tạo đó là chuẩn hoá nguồn nước RO trong thành phần chạy thận nhân tạo", ĐB Nguyễn Quang Tuấn nói.
Ngay sau đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng giơ biển tranh luận lại với ý kiến của ĐB Nguyễn Tiến Sinh. ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: Chưa đề cập đến chuyện đúng hay sai, nhưng khi đại biểu nêu ý kiến là thể hiện quyền của người ĐB Nhân dân. Ở đây, không phải chuyện định hướng cho tòa án, tất cả sẽ được xét xử theo pháp luật. Vì vậy, phải được nhìn nhận toàn diện. Chúng tôi nghĩ rằng, tất cả đều là con người, tòa cũng có thể sai lầm hoặc chưa lắng nghe được ý kiến tất cả các bên. Thông qua nghị trường Quốc hội và ý kiến từ báo chí, chúng tôi phát biểu và chịu trách nhiệm về phát biểu cũng mình.
 ĐB Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) giơ biển tranh luận. Ảnh: Quốc hội.
Ngoài ra, một số đại biểu khác cũng giơ biển tranh luận lại vấn đề này nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay, đã có những tranh luận qua lại, vụ án đang trong quá trình xét xử. Các ý kiến của đại biểu và kiến nghị cử tri sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng định của pháp luật.
Tranh luận quyết liệt, tính phản biện cao
Theo ghi nhận của phóng viên, không khí thảo luận ở nghị trường rất thẳng thắn, quyết liệt có chiều sâu, có tính tranh luận và tính phản biện cao, ít nội dung trùng lắp.
Trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đã có 60 đại biểu Quốc hội phát biểu và 13 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Tất cả các đoàn ĐB Quốc hội đều có đại diện được tham gia phát biểu. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 20 ĐB đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu tại nghị trường do thời gian eo hẹp.
 Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết thúc các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ảnh: Quốc hội.
Bộ trưởng các bộ: Bộ NN&PTNN, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐTB&XH đã tham gia phát biểu giải trình để cung cấp thêm một số vấn đề có liên quan.
Nhìn chung, không khí các phiên thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng, nội dung ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, mang tính phản biện cao, bao quát trên các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và tư pháp.
Đa số ý kiến các ĐB Quốc hội đều thống nhất với các nội dung và đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Kiểm toán nhà nước.
Phát biểu kết thúc các phiên thảo luận, Quốc hội Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của hệ thống chính trị trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Quốc hội biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 theo nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.