Chân thực, không giả tạo
Một năm sau cơn sốt phim truyền hình “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”, những phim truyền hình lên sóng gần đây thiên về giải trí như “Cả một đời ân oán”, “Tình khúc Bạch Dương”, “Ngày ấy mình đã yêu”. Nhiều khán giả thấy thiếu vắng dòng phim chính luận từng gây dấu ấn trên VTV1 như “Chủ tịch tỉnh”, “Bí thư tỉnh ủy”, “Lựa chọn cuối cùng”, “Quỳnh búp bê” đi sâu khai thác đề tài gai góc được dư luận quan tâm.“Quỳnh búp bê” xoay quanh cô gái vùng cao Quỳnh (Phương Oanh thủ vai) xinh đẹp, bị bắt cóc và lừa bán vào động quỷ bên cạnh những thân phận như Lan (Thanh Hương) sắc sảo lạnh lùng từ vùng quê nghèo khó và My (Thu Quỳnh) bốc lửa xảo quyệt. Bộ phim dài 30 tập này khai thác góc khuất của những thân phận gái làng chơi. Phim do đạo diễn Mai Hồng Phong thực hiện, lên sóng VTV1 vào 20 giờ 45 thứ năm, thứ sáu hàng tuần, bắt đầu từ 15/6.Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC cho biết, đề tài này những người làm phim ấp ủ từ lâu. “Mặc dù rất nhiều bài báo, phóng sự làm về đề tài buôn bán phụ nữ, tuy nhiên khi chuyển sang phim lại là thách thức không nhỏ” - Đỗ Thanh Hải nói. Ban đầu những người thực hiện phim khá e ngại, sợ diễn viên không chịu được áp lực dư luận. “Khi ngồi duyệt xem các diễn viên diễn tôi xúc động vì tính chân thực” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói thêm. Đề tài gai góc, đề cập đến vấn đề xã hội được quan tâm, tuy nhiên cũng khiến nhiều người nghi ngại vì sự táo bạo trong nhiều cảnh quay. “Muốn vạch trần tội ác của những kẻ buôn bán phụ nữ để mọi người ghê sợ, chúng tôi xác định đi tới cùng khai thác những yếu tố nhạy cảm. Tuy nhiên hơn hết bộ phim truyền đi thông điệp nhân văn lấp lánh về tình người” - đạo diễn Mai Hồng Phong bày tỏ. Diễn viên Phương Oanh cho rằng vì phim phát trên truyền hình nên không "câu khách" bằng cảnh nóng, các nhà làm phim đi sâu khai thác tâm lý nhân vật, sự nghiệt ngã đày đọa những con người khốn khổ và sự nhân văn trong những tình cảnh trớ trêu ấy.Thu hút từ công nghệ sản xuất “Quỳnh búp bê”, “Ngày ấy mình đã yêu” là hai phim mới lên sóng tháng 6 này tiếp tục được đầu tư sản xuất bằng công nghệ quay phim tiên tiến, hiện đại. Sau một thời gian khủng hoảng, phim truyền hình Việt có những chuyển biến tích cực trong công nghệ sản xuất. Hình ảnh phim được đầu tư kỹ lưỡng, mang đến những khuôn hình đẹp mắt không thua kém những bộ phim Hàn Quốc. Mới đây “Thương nhớ ở ai” chứng tỏ sự tỉ mỉ khi dành cả năm trời để đầu tư kỹ xảo, mang đến những khuôn hình đậm chất Bắc bộ cho phim.Sự đầu tư cho phim truyền hình còn thể hiện ở khả năng diễn xuất của diễn viên. Những phim gần đây như “Tuổi thanh xuân”, “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Ngược chiều nước mắt” được khán giả đánh giá cao về chất lượng diễn xuất. Dàn diễn viên trẻ quen mặt của VFC ngày càng hoàn thiện kỹ năng diễn xuất: Nhã Phương, Bảo Thanh, Thu Quỳnh, Hồng Đăng, Đan Lê, Mạnh Trường, Hồng Diễm.Tuy nhiên, hạn chế của phim truyền hình Việt hiện nay là trào lưu Việt hóa các kịch bản nước ngoài. Ví dụ như cả hai phần “Cả một đời ân oán”, “Ngày ấy mình đã yêu” đang lên sóng đều là phim mua kịch bản nước ngoài. Dù các nhà sản xuất khẳng định đây là xu thế chung của quốc tế, tuy nhiên khán giả nghi ngại phim Việt dễ đánh mất bản sắc khi chạy theo xu hướng này.