Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim Việt yếu thế?

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự bùng nổ của xu thế thị trường đã khiến không ít nhà làm phim loay hoay tìm giải pháp mang lại lợi nhuận. Nhiều đơn vị sản xuất đã tìm đến kịch bản phim nước ngoài chuyển thể sang phim Việt như là sự “cứu cánh” cho doanh thu.

Doanh thu khủng nhờ kịch bản ngoại
Trong nhiều năm trở lại đây, trào lưu phim remake (mượn kịch bản phim nước ngoài) đã thực sự chiếm được cảm tình của khán giả trong nước khi mang về doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hàng loạt bộ phim remake ăn khách phải kể đến như: “Em là bà nội của anh”, “Sắc đẹp ngàn cân”, “Tháng năm rực rỡ” hay “Ông ngoại tuổi 30”… Chưa khi nào nền điện ảnh Việt Nam lại có nhiều phim được làm từ kịch bản của nước ngoài như hiện nay.
 Cơn sốt phim kịch bản nước ngoài trong năm 2018 được mở đầu bằng bom tấn “Tháng năm rực rỡ”. (nguồn ảnh internet)
Việc làm phim remake là điều bình thường nhưng nếu làm ồ ạt dễ dẫn đến những hệ lụy xấu đối với phim Việt truyền thống. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng: Như tình trạng hiện nay chứng tỏ các nhà viết kịch không thể sáng tạo được những kịch bản hay, đành phải đi mượn kịch bản của nước ngoài. Đó không phải là hướng phát triển của một nền điện ảnh như Việt Nam.
Thực tế đã chứng minh, tại những quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc, cũng xuất hiện những bộ phim được thực hiện dựa trên kịch bản của nước ngoài và chủ yếu phục vụ tầng lớp công chúng trẻ tuổi. Những bộ phim này chỉ nhằm mục đích giải trí. “Những phim remake không thể đại diện cho một nền điện ảnh của nước ta mà nó hầu như chỉ đáp ứng nhu cầu của lứa tuổi teen” – đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Theo nhà Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, trong năm qua, phim Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác đang nhập vào Việt Nam quá nhiều, hơn 300 phim nhập ngoại nhưng chỉ có khoảng 40 phim Việt. Điều này cho thấy sự chênh lệch và yếu thế của phim Việt tại thị trường trong nước. Đây chính là rào cản trong bảo vệ bản sắc điện ảnh Việt trong nhiều thập kỷ qua.

Bỏ quên khán giả truyền thống

Trong thời gian qua, nền điện ảnh Việt Nam hiện đại cũng có không ít các bộ phim Việt do chính người Việt làm như: “Thương nhớ ở ai”, “Cô Ba Sài Gòn” hay “Tấm Cám”… Đa số những bộ phim trên đều đã gây được tiếng vang và để lại những dấu ấn không nhỏ trong lòng công chúng, nhất là đối với khán giả truyền thống. Tuy nhiên, số lượng phim Việt có kịch bản “made in Vietnam” quá ít so với sự bùng nổ nhanh tới chóng mặt của những bộ phim mang kịch bản của nước ngoài.

“Điện ảnh bây giờ chuyển hướng sang phim thị trường, lấy giải trí và thương mại làm trọng tâm. Có thể nói rằng điện ảnh Việt Nam hiện nay như đang chỉ phục vụ cho lứa tuổi từ 18 – 25, còn ngoài lứa tuổi đó thì không ai quan tâm” - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ. Cùng quan điểm này, NSND Trà Giang cho rằng, điện ảnh Việt đang tồn tại song song 2 dòng phim: Nghệ thuật và thị trường.
“Dòng phim giải trí hiện nay hơi dễ dãi, nhiều khi biến thành sự giải trí tầm thường, lùi xa khỏi nghệ thuật chân chính và quên mất những cái nhìn của khán giả truyền thống trong khi họ có quyền được thưởng thức nghệ thuật” – NSND Trà Giang nhấn mạnh.

Việc thay đổi cách làm phim phù hợp với thời đại mới là việc làm tất yếu của bất kỳ nền điện ảnh nào. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nền điện ảnh đó phải có mục đích và hướng đi rõ ràng cho từng đối tượng công chúng riêng biệt để không làm mất đi giá trị hồn cốt của phim Việt. Bên cạnh đó, các nhà làm phim cần chủ động sáng tạo kịch bản thuần Việt để thu hút khán giả thay vì “đi mượn” kịch bản nước ngoài nhằm phục vụ mục đích kinh doanh.