Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hà Nội

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/11, Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy do Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Văn hóa – Thể thao về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.

Tham gia buổi làm việc có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại cuộc làm việc.
Môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Tô Văn Động cho biết, thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy, Sở đã chú trọng, triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và vận động các tổ chức, cá nhân, DN tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Đồng thời, tham mưu TP ban hành và tổ chức thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với đẩy mạnh phong trào thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Điều này đã góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn.
Ngoài ra, Sở cũng đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trung bình mỗi năm, các đơn vị thuộc Sở tổ chức khoảng 2.500 sự kiện văn hóa, nghệ thuật độc đáo, có sức hấp dẫn cao, thu hút sự tham gia của người dân và khách du lịch. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, có khoảng 400 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, du lịch của các tỉnh, TP và các tổ chức quốc tế được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.Đặc biệt, Sở đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả thu hút khách du lịch của các di tích trên địa bàn. Chính vì thế, lượng khách du lịch đến với các điểm di tích của TP ngày một tăng. Tính chung từ năm 2016 – 10/2019, lượng khách du lịch đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trên 6 triệu lượt; đến Đền Ngọc Sơn là gần 4 triệu lượt...
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, sự phát triển của du lịch văn hóa trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của du lịch Thủ đô. Đặc biệt, thông qua các hoạt động văn hóa đã tạo dựng hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tuy vậy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy lưu ý Sở Văn hóa – Thể thao và Sở Du lịch cần gắn kết chặt chẽ hơn trong đánh giá, phân tích kỹ các chỉ tiêu về đối tượng khách du lịch đến Thủ đô, về chi phí và nhu cầu của du khách để có giải pháp hiệu quả. Đặc biệt, Sở cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch của TP.
Xây dựng hình ảnh Hà Nội là điểm đến an toàn
Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao sự nghiêm túc của Sở Văn hóa – Thể thao trong thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Thành ủy. Những kết quả công tác của Sở đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy cũng như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, qua 3 năm, mức tăng bình quân khách du lịch đến Thủ đô đạt 10,2%/năm với mức tăng trưởng hơn 2 triệu lượt khách mỗi năm. Quan trọng hơn, hình ảnh Thủ đô hòa bình, thân thiện, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước đã được xây dựng, củng cố. Điều này đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Chỉ ra những mặt còn tồn tại trong quá trình thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, thời gian tới, Đảng ủy, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 207 của UBND TP. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hà Nội dựa trên những giá trị di sản tự nhiên, nhân văn, cả vật thể và phi vật thể. Nhất là những di tích lịch sử quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, những di tích lịch sử được UNESCO công nhận, các chương trình nghệ thuật truyền thống...
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án triển khai thực hiện phần trưng bày của Bảo tàng Hà Nội; phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa để trở thành các điểm thu hút khách du lịch bền vững. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, với Ngành du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch văn hóa. Tiếp tục tổ chức tốt Ngày văn hóa Thủ đô Hà Nội tại các tỉnh, TP trong nước, quốc tế. Tổ chức hiệu quả các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để xây dựng nơi đây thành điểm du lịch văn hóa tiêu biểu, có sức hấp dẫn cao, thu hút du khách du khách trong nước và quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, Sở tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch và triển khai thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử của TP để góp phần phát huy hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn.