Thông tin tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, kết thúc quý I/2019, toàn TP đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ trao bằng công nhận “Huyện nông thôn mới”; 3 huyện: Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền xét công nhận. Với 323/386 xã (chiếm 83,7% tổng số xã) về đích nông thôn mới (NTM), Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu trước 2 năm so với kế hoạch và tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương dẫn đầu trong xây dựng NTM.
Thành công đến nay của Chương trình số 02 giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền và Nhân dân các địa phương, không thể không đề cập tới sự quan tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của TP. Từ năm 2016 đến tháng 3/2019, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số 02 là trên 39.772 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn xã hội hóa từ đóng góp của các tổ chức, DN và người dân là gần 3.482 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, 12 quận nội thành đã chung tay hỗ trợ các huyện xây dựng cơ sở hạ tầng NTM với tổng kinh phí trên 438 tỷ đồng.
Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện Chương trình số 02 quý I/2019, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, thách thức hiện nay vẫn rất lớn. Đặc biệt, trong quý I vừa qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các hộ chăn nuôi.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm sớm khống chế dịch bệnh trên tinh thần chủ động cao nhất. Đối với 12 quận, huyện đã phát sinh dịch bệnh, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan, thực hiện hỗ trợ kịp thời cho hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo chỉ đạo của TP. Thời gian tới, các địa phương phải thành lập các đoàn đi tới từng thôn, xã để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh nhằm ổn định đàn gia súc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng NTM. |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, năm 2019 là năm được TP xác định tập trung, tăng tốc, là giai đoạn nước rút để thực hiện hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu 8 chương trình công tác lớn, trong đó có Chương trình số 02. Theo đó, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao và an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gắn với chế biến nông sản để tạo thành chuỗi liên kết khép kín.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho biết, TP khuyến khích các xã đăng ký sản phẩm cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đây là lĩnh vực mà Hà Nội có tiềm năng, lợi thế lớn nhưng chưa phát huy hết.
Một vấn đề rất quan trọng được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề cập tới là việc sử dụng thiết chế hạ tầng. Lấy ví dụ về trường hợp nhà văn hóa tại huyện Mê Linh xây dựng xong nhưng chưa đưa vào sử dụng (báo Kinh tế & Đô thị đã có thông tin - PV), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, đó là sự lãng phí đáng trách. Đồng thời cho biết, trong quý II sẽ đi kiểm tra hạ tầng kỹ thuật NTM, nhất là các công trình do các quận hỗ trợ.
“Các địa phương cần phát huy hiệu quả thiết chế hạ tầng, nhất là các công trình do 12 quận hỗ trợ, tránh để lãng phí. Bởi như vậy là phụ tấm lòng của các quận” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị các sở, ngành nghiên cứu cơ chế hỗ trợ nguồn lực nâng cao các tiêu chí tại các xã xây dựng NTM nâng cao. Tiếp tục đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Đối với các huyện tiệm cận mục tiêu trở thành quận thì phải gắn quy hoạch xây dựng NTM theo hướng xây dựng đô thị, nhằm đồng bộ cơ sở hạ tầng trong tương lai. Bên cạnh đó, các địa phương cần quản lý tốt các dự án phát triển, đưa nhiệm vụ xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng vào trọng tâm công tác năm để thực hiện hiệu quả…