Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP: Gia Lâm, Đan Phượng lưu ý tiêu chí tự cân đối ngân sách

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Đan Phượng và Gia Lâm là hai địa phương đang thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, nên thời gian tới cần làm rõ thêm lộ trình thực hiện, khả năng đạt được các tiêu chí còn chưa đảm bảo, đặc biệt là tiêu chí về khả năng tự cân đối ngân sách” - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh trong buổi giám sát sáng nay (14/4).

Sáng nay 14/4, Đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND 2 huyện Gia Lâm và Đan Phượng về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND của HĐND TP về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020.
Tại đây, đoàn giám sát ghi nhận thời gian qua, hai huyện Đan Phượng và Gia Lâm đã chủ động tổ chức quán triệt việc thực hiện nghị quyết, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ thu - chi theo phân cấp. Trong đó, huyện Đan Phượng có mức tăng trưởng và phát triển khá nhanh, với tổng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 đạt 2.223 tỷ đồng, bằng khoảng 136% dự toán giao; thu NSNN trên địa bàn hàng năm đều vượt dự toán TP và huyện giao. Huyện Gia Lâm giáp ranh khu vực nội đô, cũng có mức tăng trưởng và phát triển nhanh, với tổng số thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 đạt 13.798 tỷ đồng, bằng 184,4% dự toán giao; thu NSNN trên địa bàn hàng năm đều vượt dự toán TP và huyện giao; trong đó tỷ lệ tăng thu hàng năm bình quân đạt trên 25%, tỷ lệ đóng góp của Gia Lâm trong tổng thu NS trên địa bàn tăng dần qua các năm.
Mặc dù vậy, đoàn giám sát đánh giá, việc phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phần trăm phân chia đối với một số khoản thu của hai huyện chưa đủ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chi đã phân cấp. Phân cấp nhiệm vụ chi gắn với phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế - xã hội còn bất cập; việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên thực tế còn chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu dân sinh. Ngoài ra, định mức phân bổ chi ngân sách trong một số lĩnh vực còn thấp, chưa đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ chi.
 Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị hai huyện Đan Phượng và Gia Lâm tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết này của HĐND TP theo từng lĩnh vực gắn với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội tại huyện và xã; tiếp tục quan tâm chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu tăng thu ngân sách để có nguồn chi chủ động đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hai địa phương cần nâng cao năng lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chi, giảm các khoản kết dư, chuyển nguồn ngân sách hàng năm, để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh.
“Đặc biệt, Đan Phượng và Gia Lâm là hai địa phương đang thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, nên thời gian tới cần làm rõ thêm lộ trình thực hiện, khả năng đạt được các tiêu chí còn chưa đảm bảo, đặc biệt là tiêu chí về khả năng tự cân đối ngân sách”- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nhấn mạnh, đồng thời đề nghị: Các sở, ngành của TP rà soát, chủ động đề xuất, tham mưu cho TP nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ ngân sách, tỷ lệ % phân chia nguồn thu cho kỳ ổn đinh ngân sách tiếp theo giai đoạn 2021-2025 gắn với phân cấp quản lý kinh tế-xã hội và việc thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận của hai địa phương trên.
Đối với các kiến nghị của 2 huyện, đoàn giám sát đề nghị Sở Tài chính và Sở KH&ĐT tổng hợp, nghiên cứu để tham mưu cho HĐND, UBND TP phương án phân cấp quản lý, phân cấp nguồn thu-nhiệm vụ chi, tỷ lệ phân chia nguồn thu và định mức phân bổ ngân sách giai đoạn ổn định 5 năm tới đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn.