Vậy làm thế nào để báo chí làm tròn chức trách và phát triển bền vững trong bối cảnh xã hội thông tin? Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi về vấn đề trên.
Hiện nay, có một bộ phận báo chí được gọi là “báo chí đánh đấm”, “báo chí câu view”, “báo chí vụ lợi”. Đây là một trong những nguyên nhân khiến niềm tin xã hội vào báo chí có phần suy giảm. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?
- Đầu tiên, chúng ta công nhận rằng nhờ có báo chí, nhiều nhà báo quả cảm mà các vụ việc tham nhũng, những tiêu cực trong xã hội được đưa ra ánh sáng. Công lý và lẽ phải được bảo vệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có những tin bài nêu mặt trái, những câu chuyện tiêu cực nhưng tầm phào, nhảm nhí mang tính câu khách rẻ tiền trên vài trang báo. Vẫn còn một số tờ báo chỉ có “đánh đấm”, giật gân, bởi họ nghĩ làm như vậy mới thu hút được công chúng.
Chúng ta không phủ nhận nhu cầu về thông tin, nhu cầu biết cái mới, cái lạ của độc giả nhưng nếu báo chí chỉ chạy theo thị hiếu tầm thường mà không hướng độc giả đến những giá trị tốt đẹp thì cần phải chấn chỉnh.
Ngoài ra, báo chí vụ lợi biểu hiện qua việc “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” trên báo mạng điện tử. Đây là một tình trạng đáng phê phán, kéo dài trong nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. DN phàn nàn rất nhiều về chuyện này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của những người làm báo chân chính. Tôi nghĩ rằng, ngoài đấu tranh phê phán những cái xấu, cái ác trong xã hội, báo chí còn có trách nhiệm to lớn là hướng xã hội đến những điều tốt đẹp, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội. Đó là một sứ mệnh hết sức cao cả và thiêng liêng của nhà báo, niềm tin mà xã hội đặt lên vai nhà báo. Báo chí phải có trách nhiệm để xây đắp niềm tin đó.
Dường như “tình, tiền, tù, tội”, “cướp, giết, hiếp”… đã trở thành món ăn không thể thiếu trên các trang báo. Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm lý xã hội, thưa ông?
- Trước mỗi một sự việc xảy ra trong xã hội, báo chí phải khách quan và công tâm. Nếu chúng ta chỉ tạo thói quen đọc báo của công chúng là tìm cái bức xúc, giật gân thì lâu dần sẽ khiến công chúng trơ lì cảm xúc dẫn đến vô cảm hoặc không còn sự phản ứng đủ mức với cái xấu, cái ác.
Tôi nghĩ trong xã hội hiện nay tuy còn có những điều làm chúng ta chưa thật yên tâm, chưa thật hài lòng, đâu đó vẫn còn những nhức nhối, nhưng đó chỉ là những hiện tượng, sự việc đơn lẻ, không phản ánh bản chất xã hội. Bức tranh chung của xã hội là tốt đẹp, người tốt là chủ yếu và việc tốt cũng rất nhiều. Bởi nếu không như vậy thì làm sao đất nước chúng ta có thể phát triển được như ngày hôm nay? Điều tốt thường bình dị, âm thầm và lặng lẽ. Nếu nhà báo không chịu đi sâu tìm tòi thì rất khó có thể nhận biết.
Vậy phải chăng viết về tiêu cực thì dễ còn viết về cái tốt thì khó, bởi thích những tin tức giật gân giờ đây đã trở thành nếp nghĩ, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng?
- Thời gian gần đây, do đã có những chấn chỉnh mạnh mẽ và quyết liệt từ các cơ quan quản lý, tình trạng này đã được khắc phục đáng kể. Trên mặt báo đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những thông tin tích cực, những việc làm tốt, những con người tốt điển hình tiên tiến. Nhiều tờ báo, đài truyền hình đã xây dựng những chuyên trang, chuyên mục cũng như những chương trình hay về những tấm gương bình dị mà cao quý. Tuy nhiên, so với tin bài nói về mặt trái, mặt xấu thì tỷ lệ tin, bài nêu về người tốt việc tốt, những nhân tố điển hình vẫn còn ít.
Nhưng chúng ta cũng phải tự hỏi rằng tại sao ở trên báo, những thông tin về điều tốt, cái đẹp lại ít xuất hiện hơn? Phải chăng, một số cơ quan báo chí chưa chú trọng đúng mức việc phát hiện, cổ vũ, tôn vinh những gương người tốt việc tốt, bởi dường như đây không phải là đề tài giúp cho việc bán báo tốt hơn, lượng truy cập nhiều hơn? Hay do dù đã quan tâm đến đề tài này nhưng một số cơ quan báo chí lại hời hợt, thiếu đầu tư cho chất lượng tác phẩm, khiến cho các nhân tố điển hình thiếu hấp dẫn, không gây ấn tượng với bạn đọc?
Vậy để viết về tích cực nhưng vẫn hấp dẫn thì lãnh đạo các cơ quan báo chí phải chú trọng chỉ đạo phóng viên nâng cao chất lượng bài viết với các biện pháp cụ thể. Cùng với đó, bản thân các phóng viên cũng cần thay đổi nhận thức, phải tìm tòi, dụng công nhiều hơn nữa để có tác phẩm hay, chạm được tới trái tim người đọc. Chính những nhân tố ấy sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.
Báo chí chính thống đang đối mặt với nhiều sự thay đổi của thời cuộc, trong đó thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội. Theo ông, mỗi tờ báo cần làm gì để vừa làm tròn trách nhiệm xã hội, vừa “vững chân” trong xã hội thông tin?
- Mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng lớn tới đời sống báo chí mà còn tác động mạnh mẽ lên cả đời sống xã hội, trở thành một phần “không thể thiếu” trong xã hội ngày nay. Mạng xã hội là một biển thông tin “hỗn mang”, tốt có, xấu có. Bởi thế, chính các nhà báo cần thể hiện rõ năng lực thẩm định thông tin bằng bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm với xã hội một cách hiệu quả nhất. Chúng ta không quay lưng với mạng xã hội nhưng phải hiểu được bản chất của nó để ứng xử phù hợp, để không bị mạng xã hội dẫn dắt.
Tôi cho rằng, báo chí không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin, tính đa phương tiện. Báo chí chỉ có một “khe cửa” tuy hẹp nhưng là duy nhất để vượt qua mạng xã hội đó là tính thuyết phục và độ tin cậy của mình. Mà điều này lại phụ thuộc vào trình độ, kỹ năng tinh thông nghề nghiệp và đạo đức làm nghề chân chính của mỗi nhà báo. Đây chính là con đường sống còn của báo chí.
Xin trân trọng cảm ơn ông!