Từ tháng 9/2016 đến nay, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận luôn là điểm hẹn lý tưởng của người Hà Nội và du khách mỗi cuối tuần. Hơn một năm trước, người ta tới phố đi bộ quanh Hồ Gươm hay khám phá phố cổ về khuya chỉ vì tò mò. Nhưng giờ thì không gian ấy đã khiến họ phải say bởi những trải nghiệm mang đậm phong vị Hà Nội mà ngay cả người Thủ đô đôi khi cũng quên lãng.
Đó là khi được ngược về tuổi thơ trong các trò chơi dân gian; được sống chậm lại, thảnh thơi tản bộ, ngắm nhìn nhịp sống tươi vui; và khám phá miền hoài niệm ngự trị trong các di tích lịch sử văn hóa...
Nhất là từ mọi hoạt động diễn ra trong khu phố dành cho những bước chân này “bám” vào mục tiêu “biến phố đi bộ quanh Hồ Gươm thành không gian văn hóa đặc sắc” mà người đứng đầu TP đã yêu cầu. Không thể không nhắc đến ở nơi này các chương trình biểu diễn đại chúng, các “chiếu” nghệ thuật truyền thống, các buổi hòa nhạc đường phố…
Không chỉ vậy, phố đi bộ Hồ Gươm còn là nơi nhiều tỉnh, thành trong nước và quốc tế chọn để giới thiệu đặc trưng văn hóa địa phương như Lễ rước đèn Trung thu, nghi lễ đám cưới người Dao đỏ của Tuyên Quang; quảng bá du lịch Hà Giang; Carnival châu Âu; múa Thụy Sĩ... Cũng vì “tiếng thơm” bay xa, du khách đến ngày một đông đã kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Theo thống kê của quận Hoàn Kiếm, trung bình, ban ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 - 2 vạn người; dịp lễ, Tết có lúc lên đến gần 20 vạn người tới phố đi bộ. Lượng khách lưu trú tại quận Hoàn Kiếm cũng tăng mạnh; các cửa hàng kinh doanh phục vụ du lịch trong khu phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm tăng tới 268 cửa hàng.Có thể nói, 2017 là một năm phố đi bộ quanh Hồ Gươm tràn ngập sức sống, sự tươi mới. Những “sân khấu đường phố” này phản ánh “chuyển động” trong lối sống, lối ứng xử mang tính cộng đồng của người Hà Nội – một sự hội nhập nhưng vẫn chắt lọc để giữ lại bản sắc đẹp của người Thủ đô.