Hiện nay, dự thảo Quy chế và Nội quy đã được TP giao cho UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng và chờ xin ý kiến trước khi ban hành.
Nói không với nhiều vi phạm
Ngay trong Điều 1 của dự thảo Nội quy Quản lý hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã nhấn mạnh các tổ chức, cá nhân không tự ý tổ chức, biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, trò chơi, ảo thuật…; sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống… để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, thu hút và làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của không gian đi bộ. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu tổ chức hoạt động phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Sau sự việc giữa cậu bé 15 tuổi chơi đàn violon và các đơn vị tổ chức trên phố đi bộ cuối tuần trước thì dự thảo Nội quy này càng thể hiện rõ quan điểm, cá nhân, tổ chức muốn biểu diễn trên phố đi bộ không phải xin cấp phép nhưng phải có thông báo và nhận được sự đồng ý của UBND quận Hoàn Kiếm hoặc Sở VH&TT Hà Nội. KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam ) ủng hộ quy định này, bởi nếu tự do quá thì sẽ rất khó quản lý. KTS quy hoạch đô thị Nguyễn Nga cũng cho rằng: “Việc đăng ký biểu diễn là để cơ quan quản lý biết những nhóm nhạc đang biểu diễn ở đâu và tránh trường hợp lợi dụng biểu diễn nghệ thuật để có những hành động không đúng với thuần phong mỹ tục. Điều này cũng có lý của các nhà quản lý”.
Ngoài ra, Nội quy Quản lý hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận còn cấm dắt, thả vật nuôi, gia súc, gia cầm ra đường phố và các khu vực công cộng khác; cấm bán hàng rong, tổ chức ăn uống, kinh doanh trò chơi, đánh giày, đeo bám khách du lịch để nài ép mua, ép bán, xin ăn, xin tiền dưới mọi hình thức… Trên thực tế, một vài hiện tượng dắt, thả động vật, bán hàng rong… vẫn đang xảy ra mỗi khi các con phố quanh hồ Hoàn Kiếm ngăn rào xe cơ giới, dành cho người đi bộ.
Cấm nhiều có làm khó sự sáng tạo?
Ủng hộ cách kiến tạo không gian văn hóa, nhưng KTS Trần Huy Ánh cũng thừa nhận, cơ quan quản lý phải cấm thế nào, không quá chặt chẽ, đặc biệt là các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các cá nhân, tổ chức tự do để không làm mất đi sự sáng tạo của cộng đồng. KTS Trần Huy Ánh phân tích, không gian văn hóa của phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm phải là không gian tiêu biểu của cả nước, không chỉ có những nét văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, mà còn là nơi hội tụ văn hóa của cả nước và mang tính giao lưu quốc tế. Hơn một năm thử nghiệm và đi vào hoạt động, hoạt động nghệ thuật vào mỗi dịp cuối tuần trong không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã không chỉ có hát xẩm, ca trù…, di sản phi vật thể đặc sắc của Hà Nội, mà còn là nét văn hóa của tỉnh Lào Cai, Quảng Bình… cũng đã về đây hội tụ. Đặc biệt, các chương trình hòa nhạc đỉnh cao – “Vietnam Airlines Classic - Hanoi 2017” của Dàn nhạc giao hưởng London - top 5 dàn nhạc nổi tiếng nhất thế giới cũng đã đến không gian âm nhạc ngoài trời bên hồ Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên, GS Kim Donyun đến từ Hàn Quốc cũng đánh giá: “Trong suốt thời gian dài, khu phố cổ Hà Nội và khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm được sử dụng hỗn độn với quá nhiều mục đích. Mặt tích cực là khiến cho phố cổ có nhiều hoạt động phong phú cả ngày và đêm. Nhưng điều tiêu cực có thể nhìn thấy rõ là sự ô nhiễm”. Và để khắc phục điều này, Hà Nội rất cần một bản Quy chế và Nội quy hoạt động. Song Quy chế và Nội quy cần đưa ra khoảng nhìn xa hơn sau một năm hoạt động, không nên dừng thời gian hoạt động chỉ những ngày cuối tuần mà có thể là tất cả các ngày trong tuần.
KTS Đoàn Kỳ Thanh - người sáng lập Hà Nội Creative City đánh giá cao Nội quy đã quy định các hộ kinh doanh trên khu vực phố đi bộ chỉ được sử dụng đèn chiếu sáng có ánh sáng trắng tự nhiên có nhiệt độ màu từ 4.000 - 5.000°K. Tuy nhiên, Nội quy cần đề ra quy định và giải pháp độ lớn của âm thanh biểu diễn nghệ thuật của nhóm này không ảnh hưởng đến nhóm khác và không ảnh hưởng đến cư dân trong khu vực phố đi bộ.
Dự thảo Quy chế và Nội quy Quản lý hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận do UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng đã được trình UBND TP Hà Nội. Lãnh đạo TP giao cho Sở Tư pháp thẩm định tính pháp lý của Quy chế và Nội quy trước khi ký ban hành để đi vào thực hiện. |