Những tư liệu quý về danh nhân, di tích của vùng đất Đan Phượng đã được ông dày công sưu tầm, góp phần làm giàu thêm kho tàng kiến thức của Thủ đô văn hiến. Với niềm đam mê văn hóa dân gian, nhà giáo Nguyễn Tọa sau khi nghỉ hưu đã tự học chữ Hán và tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử Hạ Mỗ - mảnh đất lưu giữ nhiều truyền thống, giá trị văn hóa ý nghĩa. Với giọng say sưa và bằng kho tàng kiến thức của mình, ông Tọa đã tái hiện những câu chuyện văn hóa có giá trị lịch sử về ngôi làng cổ kính xứ Đoài, về kinh đô Vạn Xuân xưa, về những dòng lịch sử hay những câu chuyện của các danh nhân văn hóa nơi đây. Ông luôn đau đáu một điều: "Các cụ cao tuổi mất đi là mất những nguồn tư liệu sống quý giá. Vì vậy mà để giải mã được những điển cố văn hóa cần phải tìm tòi từ nhiều nguồn khác. Có những nguồn mình phải tự học, tự dịch mới vỡ ra được. Có những nguồn phải tìm mất nhiều năm”. Ông bảo, từ những thực tế đã trải qua, có thể thấy, ở bất cứ ngôi làng nào trên đất Thăng Long - Hà Nội đều mang trong mình di sản văn hóa. Di sản nào cũng cần được bảo vệ, gìn giữ để những nét đẹp của quê hương tiếp tục truyền bá cho đời sau kế thừa, phát huy.
Qua các truyền thuyết dân gian, hoành phi, câu đối, văn bia, sách cổ, nơi thờ tự cũng như trong nhà dân, ông Nguyễn Tọa đã tìm kiếm, ghi chép, trao đổi và thu thập được nhiều tư liệu lịch sử có giá trị; tham khảo kinh nghiệm ở các địa phương khác để tiến hành lập hồ sơ xin xếp hạng 3 di tích trên địa bàn xã Hạ Mỗ, đó là đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác và đền Văn Hiến. Đồng thời, ông cũng cung cấp tư liệu, giới thiệu và cùng một số đài truyền hình xây dựng được nhiều thước phim tài liệu về các di tích này. Năm 2014, UBND xã đã giao cho ông tiếp tục lập hồ sơ xin xếp hạng 3 di tích là đền Chính Khí, miếu Hàm Rồng và đền Tri Chỉ. Những di tích này sau đó được UBND huyện Đan Phượng trình lên UBND TP Hà Nội và Bộ VHTT&DL xem xét, xếp hạng. Ngoài nghiên cứu về quê hương, ông còn dày công nghiên cứu lịch sử văn hóa dân gian các địa phương khác như Gia Lâm, Ba Vì… Đặc biệt, ông tích cực sưu tầm, nghiên cứu, phát hiện, khôi phục các điểm di tích lịch sử văn hóa của huyện Đan Phượng, đóng góp vào kho tàng văn hóa dân gian. Không những vậy, ông còn là một tuyên truyền viên tích cực trong các phong trào quần chúng của xã, của huyện. Cũng từ những kết quả nghiên cứu, ông đã có bài giới thiệu các di tích của làng in trong cuốn “Đan Phượng di tích lịch sử văn hóa và cách mạng” do Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cùng UBND huyện Đan Phượng biên soạn. Đặc biệt, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị văn hóa: Kể chuyện tên làng Việt (2010); Hội làng Thăng Long – Hà Nội (2011); Dấu xưa chuyện cũ (2013)… Làng Hạ Mỗ ngày nay đô thị hóa đang tràn về mạnh mẽ, nhưng nét cổ kính của ngôi làng có lịch sử tồn tại và phát triển hàng nghìn năm nay vẫn hiển hiện qua những chiếc cổng xưa cũ, những nếp nhà ngói rêu phong, trên những bia án, đình, đền, miếu mạo... Ẩn dưới sự pha trộn cũ - mới về kiến trúc là hình ảnh con người bình dị đang bền bỉ giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của làng Hạ Mỗ, lưu giữ lại những giá trị xưa cho con cháu để không bị mai một bởi thời gian. Đó là “Pho sử” của làng Hạ Mỗ. “Pho sử” ấy vẫn miệt mài đi tìm tòi và nghiên cứu những nét văn hóa để gìn giữ và lưu truyền ngàn đời sau.
Nhà giáo Nguyễn Tọa phát biểu trong lễ tuyên dương, phát thưởng giáo viên, học sinh giỏi năm học 2013 - 2014 xã Hạ Mỗ. Ảnh: Liên Nguyễn |