Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 12

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 12. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại diện lãnh đạo 10 tỉnh, TP từ Quảng Trị đến Bình Thuận.

Thông tin tới cuộc họp khẩn, đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết: Địa phương đã di dời 4.000 hộ. 6.468 tàu thuyền đã neo đậu an toàn. Các tàu khác đã vào neo đậu an toàn vào quần đảo Trường Sa. Hiện, tỉnh đã lập sở chỉ huy. Đối với 3 hồ thủy điện, 6 hồ thủy lợi, đang xả nước bảo đảm an toàn.

 
Trong khi đó tại Khánh Hòa, 182 tàu thuyền đã được thông báo và tìm nơi trú tránh an toàn. Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản đã sơ tán người dân tránh bão. Địa phương yêu cầu không di chuyển du khách đang ở trên các đảo Hòn Tre, hòn Tằm, không vận hành cáp treo khi thời tiết xấu…
Tại tỉnh Ninh Thuận, 15 giờ chiều qua đã cấm tàu thuyền ra biển. 2.330 tàu thuyền hiện đã an toàn. Còn 347 chiếc đã di chuyển bào khu neo đậu thuộc các tỉnh lân cận, giàn khoan. Tuy nhiên, địa phương hiện còn 1 tàu/7 ngư dân mất liên lạc. Địa phương cũng đã tiến hành chằng chống nhà cửa và cho học sinh nghỉ học trong ngày 4 - 5/11. Triển khai vận hành 19 hồ chứa nhỏ, trong đó, 5/19 hồ đang xả lũ…
Một địa phương khác được nhận định sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ bão số 12 là Bình Định. Theo lãnh đạo địa phương này, cắt cử cán bộ tỉnh xuống địa bàn các huyện để phối hợp chỉ đạo, hết bão mới được về. Đã cấp 150.000 bao cát cho các địa phương để ứng cứu sự cố đê điều khi cần thiết. Hiện, tỉnh có 56 hồ chứa xuống cấp dung tích từ 3 - 5 triệu m3. Các hồ đang được xả nước để giữ mực nước ở ½ dung tích. Từ ngày mai, học sinh tại các vùng dự kiến chịu ảnh hưởng sẽ nghỉ học. Từ 14 giờ chiều qua, tỉnh đã phát lệnh “cấm biển”, hiện chỉ còn 1 tàu bị hỏng máy đang được lai rắt vào bờ, khoảng 8 giờ tối nay sẽ vào đến bờ. Tỉnh cũng khuyến cáo người dân không nên ra ngoài trong những ngày bão đổ bộ Nam Trung Bộ…

Tại Đà Nẵng - nơi sẽ diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC, công tác ứng phó cũng đang được tập trung triển khai. Hiện, 7/14 hồ đang được xả tràn, trực ban 24/24 giờ để kịp thời xử lý. TP cũng đã ban hành kế hoạch cụ thể ứng phó với 3 loại hình thiên tai: bão, mưa lớn, sóng thần, để xử lý sự cố trong thời gian diễn ra APEC.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, bão không chỉ mạnh mà còn gây mưa lớn cho các vùng đã trải qua 1 đợt chịu tác động của áp thấp, có lượng mưa rất lớn. Nếu chủ quan, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Do đó, các địa phương cần tập trung cao độ. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đến nơi an toàn. Khẩn trương di dời người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Bộ trưởng cũng lưu ý, hiện 501 hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ đang tích nước cao, trong đó có 57 hồ chứa xung yếu. Tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hiện cũng có tổng số 72 hồ chứa xung yếu. Do đó, công tác bảo đảm an toàn hồ chứa cần phải được chú trọng. Đối với vùng trũng dễ bị chia cắt, cần có phương án kỹ lưỡng. Ngoài ra, cần lưu ý vấn đề thông tin liên lạc và phải thường trực 24/24 giờ để chủ động ứng phó các sự cố…

Trước tình hình bão số 12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bão số 1 có cường độ mạnh, lại đi vào khu vực ít xảy ra bão, kinh nghiệm ứng phó cũng rất hạn chế, do đó các địa phương không được phép chủ quan. Phó Thủ tướng lưu ý ứng phó với mưa lũ sau bão. Đối với các địa phương, cần quyết liệt, chủ động hơn trong kiểm soát tàu thuyền. Kiên quyết di dời dân khỏi những khu vực không an toàn, cần thiết phải cưỡng chế. Khi bão đổ bộ, cần làm tốt công tác hiệp đồng, hỗ trợ kịp thời người dân vùng chịu ảnh hưởng, không để người dân bị đói, bị khát khi bão xảy ra. Tất cả phải vì người dân với mục tiêu giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do mưa bão có thể xảy ra. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các đơn vị cần triển khai tốt giải pháp bảo đảm an toàn cho Tuần lễ cấp cao APEC.

Ghi nhận tình hình thực tế cho thấy, chiều nay (3/11), vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý), gió đã mạnh dần lên cấp 6 - 7, đến đêm gió mạnh cấp 8 - 9, gần sáng và ngày 4/11 tăng lên cấp 9 - 10, vùng gần bão đi qua cấp 11 - 12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Đáng chú ý, từ ngày 4 - 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.