Vượt 1,86 lần mục tiêu kế hoạch
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai sâu rộng. Các bộ, ngành và 63 tỉnh, TP cũng đã tích cực vào cuộc, thông qua nhiều đề án để cụ thể hoá việc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020.
Sau 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân, đến nay đã có 59/63 tỉnh, TP tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018 – 2020). Trong đó, 1,7% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá có tiềm năng 5 sao.
Riêng đối với Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2020, TP đã khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển Chương trình. Kết quả, toàn TP đã có 1.054 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, chiếm gần 1/4 tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Đặc biệt, Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động nông thôn trên địa bàn Thủ đô.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ý nghĩa lớn nhất mà Chương trình OCOP mang lại là khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đối với các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hoá truyền thống. Từng bước chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín.
Chương trình OCOP cũng giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương với mức tăng bình quân khoảng 17,6%/năm. Ngoài ra, Chương trình còn mang lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phát triển thực chất, tránh chạy theo phong trào
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá trong 3 năm qua, Chương trình OCOP đã được tổ chức triển khai tương đối đồng bộ theo hệ thống từ T.Ư đến địa phương. Sản phẩm OCOP đã bám sát yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ kết quả đạt được cho thấy sự phù hợp của Chương trình đối với phát triển kinh tế nông thôn.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chương trình còn bộc lộ một số hạn chế. Sự vào cuộc của một số địa phương còn chậm. Cá biệt có nơi còn chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP có bao bì mẫu, mã đẹp nhưng chất lượng chưa tương xứng. Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, hiệu quả thấp…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội vì có thành tích trong triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn trong giai đoạn tới vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Do đó đề nghị các bộ ngành tập trung hoàn thiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành trong tháng 6/2021. Trong đó, chú trọng phát triển Chương trình OCOP. Xác định đây là chương trình mang tính lâu dài để xây dựng chiến lược tổ chức chỉ đạo triển khai sâu rộng…
Tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm gắn với tiềm năng, lợi thế của vùng miền. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý tuyệt đối không được chạy theo phong trào; tránh xuê xoa trong thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị bộ ngành, địa phương tích cực hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là hợp tác xã và doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, khoa học công nghệ… để tạo điều kiện cho chủ thể phát triển sản phẩm OCOP… Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy giao thương, tạo điều kiện tiêu thụ, tiến tới đưa sản phẩm OCOP vươn xa…Đối với TP Hà Nội, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết sẽ chỉ đạo tổ chức triển khai 3 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ phát triển đa dạng hoá sản phẩm thuộc 6 nhóm gắn với quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP. Thứ hai, giám sát chặt chất lượng sản phẩm OCOP để bảo đảm uy tín, chất lượng. Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho chủ thể và cán bộ trực tiếp tham gia triển khai Chương trình OCOP; huy động sự vào cuộc của đông đảo các tầng lớp Nhân dân đối với việc thực hiện mục tiêu chung của Chương trình.