Hôm nay (12/11), tại Hà Nội, đã diễn ra “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016 - Techfest 2016". Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những chia sẻ, góp ý rất tâm huyết tới cộng đồng khởi nghiệp cũng như Bộ, ngành có liên quan về phát huy tiềm năng của khởi nghiệp tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian qua, xã hội đã chứng kiến nhiều sự quan tâm của Chính phủ cũng như cá nhân Thủ tướng nhằm thúc đẩy DN phát triển mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020. Cụ thể hóa, Chính phủ đã ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN cải thiện môi trường kinh doanh.
Đối với cộng đồng khởi nghiệp, mặc dù từ giai đoạn 2003 - 2004, Việt Nam đã có khái niệm DN khởi nghiệp nhưng sau này còn bao hàm thêm một dạng khác là các DN bắt đầu kinh doanh nói chung. Tới hiện tại, những DN như vậy được gọi chung là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần có hành động, chính sách cụ thể để hỗ trợ DN khởi nghiệp. Ảnh: Hà Thanh |
Để trợ giúp cộng đồng DN khởi nghiệp, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết cũng như hành động cụ thể. "Đây là cộng đồng thường tạo ra những sản phẩm mới, những phân khúc thị trường mới, khách hàng mới bằng những công nghệ, ý tưởng mới chưa từng có", ông Vũ Đức Đam chia sẻ.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, DN khởi nghiệp thường gắn với rủi ro nhưng khi thành công sẽ mang lại những giá trị rất lớn, sức cạnh tranh rất cao và có tính đột phá. Một nền kinh tế như Việt Nam nếu muốn tăng tốc phát triển, muốn thu hẹp khoảng cách với quốc gia khác thì đây phải là mũi nhọn cần tập trung.
Để cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam có thể bứt lên, xứng đáng với tiềm năng vốn có, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra những giải pháp, lời khuyên dành cho các Bộ, ngành có liên quan cũng như bản thân DN khởi nghiệp và những người có ý định khởi nghiệp.
Đầu tiên, theo Phó Thủ tướng các Bộ, ngành cần có cơ chế tài chính để giúp DN khởi nghiệp thu hút vốn, vì đây là điều cốt lõi và cần thiết nhất. Tiếp đến cần tạo điều kiện tối đa cho việc cấp chứng nhận đầu tư nhằm thành lập Quỹ đầu tư, từ đó nguồn vốn có thể dễ dàng chảy về phía DN khởi nghiệp thuận lợi hơn.
Đối với DN khởi nghiệp việc gọi vốn luôn là khó nhất, vì vậy Chính phủ, Trung ương, Bộ, ngành và các cấp có thể đầu tư song hành với những Quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần để tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp phát triển
"Cần biết, đặc điểm của các DN khởi nghiệp thường liên quan đến công nghệ thông tin và môi trường online, cho nên DN rất muốn có môi trường kinh doanh thông thoáng và không “có giấy phép con”", Phó Thủ tướng lưu ý.
Không những vậy, thủ tục tra cứu, bảo hộ về sở hữu trí tuệ cần được hoàn thiện nhanh và thông thoáng để giúp DN thuận lợi hơn trong quá trình khởi nghiệp.
Liên quan đến việc tư vấn, cộng đồng khởi nghiệp thường bắt đầu với quy mô nhỏ, không có tiềm lực, không có điều kiện cọ sát với thị trường và luật pháp quốc tế, vì vậy rất cần sự hỗ trợ về tư vấn. DN khởi nghiệp cần tư vấn pháp lý để yên tâm bước vào việc thực hiện các ý tưởng của mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, cần chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu trong trường đại học, kết nối trường đại học với viện, đưa không khí, tinh thần khởi nghiệp chung vào trường đại học. Việc cung cấp nguồn nhân lực cho DN khởi nghiệp cũng như những người khởi nghiệp tiềm năng, các trường đại học có vai trò quan trọng.
"DN khởi nghiệp cũng rất cần những khách hàng lớn, vì vậy Chính phủ cũng cần có chính sách để khuyến khích có các tập đoàn lớn hỗ trợ cũng như sẵn sàng mua toàn bộ để giúp DN có vốn tiếp tục cho ý tưởng khởi nghiệp mới", Phó Thủ tướng nói.