Khẳng định vai trò của Việt Nam trong chiến lược khu vực
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS Larry Berman, Đại học Georgia (Mỹ), khẳng định, việc Phó Tổng thống Mỹ lựa chọn thăm Việt Nam ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, cho thấy ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Việt Nam trong một số vấn đề như chiến lược khu vực, tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và làm rõ những chính sách trong quá trình chuyển đổi chính quyền.
“Việt Nam đóng vai trò then chốt trong chính sách hướng về châu Á của Mỹ. Ngay từ khi Tổng thống nhậm chức, chính quyền Biden đã xác định Việt Nam là quốc gia trọng điểm trong chiến lược tổng thể của mình”, GS Larry Berman chia sẻ.
Điều này được thể hiện rõ nhất trong báo cáo Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia ngắn hạn vào tháng 3 vừa qua, xác định vai trò của Mỹ ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam và Singapore là những quốc gia chủ chốt trong tầm nhìn này, theo ông Larry Berman.
Cũng với tinh thần đó, nhà phân tích – TS Nicolas Chapman – chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương từ Đại học Quốc tế Nhật Bản, nhận định, chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris là một phần trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hướng về Đông Nam Á.
“Chính quyền Tổng thống Biden chưa hề lên tiếng về chiến lược này trong suốt 6 tháng đầu nhiệm kỳ”, nhưng điều này đã thay đổi sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến khu vực, bao gồm các quốc gia Singapore, Việt Nam và Philippines, chuyên gia Chapman lưu ý.
''Theo đó, chuyến đi của bà Kamala Harris bổ sung thêm minh chứng cho quyết tâm của chính quyền Biden hướng về Đông Nam Á, trong một chương trình nghị sự quốc tế mở rộng'', TS Chapman nhấn mạnh với Kinh tế & Đô thị.
Chuyên gia người Anh cũng nhận định, quan hệ Việt – Mỹ thời gian qua đã được tiếp thêm sức mạnh đáng kể, phát triển trên nhiều mặt và sâu sắc hơn. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã viện trợ hàng triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Austin, Việt Nam và Mỹ đã ký bản ghi nhớ về sự hỗ trợ của Mỹ trong tìm kiếm hài cốt quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Điều này chứng tỏ rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực, và Mỹ rất nghiêm túc trong việc khám phá thêm các lĩnh vực hợp tác.
Vaccine và an ninh khu vực nóng trên bàn thảo luận?
Về những vấn đề tiềm năng trong chuyến thăm, theo GS Larry Berman, Phó Tổng thống Mỹ có thể đề cập tới vaccine Covid-19, hỗ trợ y tế, hợp tác thương mại và đầu tư, các vấn đề để duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bảo vệ bản quyền, GATT, nhân quyền.
Trong khi đó, TS Chapman dự đoán sẽ có 3 chủ đề chính trong chương trình nghị sự lần này, bao gồm: An ninh khu vực, Covid-19 và biến đổi khí hậu. “Tôi kỳ vọng Phó Tổng thống Harris và các lãnh đạo Việt Nam sẽ thảo luận về phương thức Mỹ hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu sản xuất vaccine”, ông Chapman cho biết, tuy nhiên cũng khẳng định nếu có đây sẽ là giai đoạn đầu của các thảo luận.
Về mặt an ninh khu vực, TS Chapman cho rằng hai bên sẽ tập trung thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, dẫn lời Ngoại trưởng Antony Blinken vừa qua tuyên bố rằng điều quan trọng là "phải bảo vệ các quy tắc mà tất cả chúng ta đã nhất trí tuân thủ và giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình."
Một phần trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris cũng sẽ tập trung truyền đạt chính sách của chính quyền mới về an ninh ở Biển Đông, theo chuyên gia này nhận định.
Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ lên đường đến Việt Nam chiều nay (24/8) và kết thúc chuyến thăm vào ngày 26/8. Kể từ khi vào Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Joe Biden luôn ưu tiên tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á và xem Đông Nam Á là một phần quan trọng trong mục tiêu chiến lược của Washington. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tham gia cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN vào đầu tháng này, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã thực hiện một số chuyến công du tới các nước trong khu vực này vào tháng 7, tới Singapore, Việt Nam và Philippines. |