Cổ phiếu châu Á nhuốm sắc đỏ
Cụ thể, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,1%, trượt khỏi mức cao nhất trong 1 tháng ghi nhận ở phiên đầu tuần này.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt 0,3%.
Thị trường cổ phiếu châu Á chịu áp lực trong phiên này do giá dầu giảm tới 4%, chạm đáy gần 5 tháng trong phiên giao dịch 12/6. Giá dầu Brent giao tương lai đi ngang trong phiên 13/6 ở mức 60,01 USD/thùng sau khi lao dốc 3,7% trong phiên trước đó xuống còn 59,97 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 28/1.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI nhích nhẹ lên 51,29 USD/thùng sau khi giảm còn gần 50,72 thùng/thùng trong phiên trước đó, chạm đáy kể từ ngày 14/1.
“Giá dầu giảm mạnh sẽ kiềm chế lạm phát, điều này gia tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất”, chiến lược gia trưởng toàn cầu của Daiwa Securities cho biết.
Dữ liệu công bố ngày 12/6 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 5, trong đó mức lạm phát cơ bản hàng năm tăng chậm lại ở mức 2,0%, giảm so với mức cao nhất là 2,4% ghi nhận trong tháng 7 năm ngoái, thúc đẩy thêm kỳ vọng tăng lãi suất của FED trong những tháng tới.
Các nhà đầu tư sẽ xem xét những tuyên bố của các nhà hoạch định chính sách của FED sau cuộc họp chính sách tiếp theo từ ngày 18 - 19/6, để đưa ra dự đoán về chính sách điều hành tiếp theo của ngân hàng trung ương trong cuộc họp vào ngày 30 - 31/7.
Phố Wall tụt dốc khi cổ phiếu năng lượng sụt giảm
Chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 12/6, dẫn đầu là sự đi xuống của 2 nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng.
Nhóm năng lượng thuộc chỉ số S&P 500 sụt 1,4%, trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính do lo ngại về đà trượt dốc 4% của giá “vàng đen”. Với phiên giảm này, năng lượng trở thành nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong S&P 500 từ đầu năm đến nay.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của nước này tăng 0,1% trong tháng 5, phù hợp với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó. Dữ liệu này cho thấy lạm phát ở mức thấp, do đó củng cố khả năng FED cắt giảm lãi suất.
Vì lý do này, cổ phiếu ngân hàng, nhóm có xu hướng hưởng lợi từ lãi suất tăng, trượt 1,4%. Nhóm tài chính nói chung sụt 1%.
Tuy nhiên, khả năng FED cắt giảm lãi suất để ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế đang chịu sức ép của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang là nhân tố hỗ trợ thị trường. Trong tháng 6 này, S&P 500 đã leo dốc 4,6%, chủ yếu nhờ giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ nới lỏng chính sách.
Thị trường đang đặt cược khả năng FED sẽ có ít nhất 2 đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian còn lại của năm. Lãi suất tương lai ở Phố Wall đang phản ánh khả năng 80% ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh lãi suất trong tháng 7.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn sau đợt tăng liên tục gần đây của thị trường và cũng đang chờ cuộc họp của FED. Nhà giao dịch Michael James thuộc Wedbush Securities nhận định: "Mọi người đều không muốn nắm giữ quá nhiều cổ phiếu trước khi bước vào tuần tới”.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 0,17%, còn 26.004,83 điểm. S&P 500 giảm 0,2%, còn 2.879,84 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,38%, còn 7.792,72 điểm.
Dịch vụ tiện ích, nhóm hưởng lợi khi lãi suất giảm, là nhóm tăng mạnh nhất trong S&P 500 phiên này, với mức tăng 1,3%.
Thị trường cổ phiếu hiện vẫn bị tác động từ nỗi lo về xung đột thương mại Mỹ - Trung. Tổng thống Donald Trump hôm 10/6 tuyên bố ông đang tạm dừng nỗ lực đi đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, và sẽ không quan tâm tới việc tiến thêm nếu Bắc Kinh không chấp nhận 4 đến 5 yêu cầu chính của Mỹ.
Hiện còn chưa đầy 3 tuần nữa là tới cuộc gặp dự kiến giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Trong khi Trung Quốc chưa xác nhận gì về cuộc gặp, Tổng thống Trump đã tuyên bố nếu ông Tập không đến dự cuộc gặp, ông sẽ ngay lập tức tăng thuế áp lên hàng Trung Quốc.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường hiện không đặt nhiều kỳ vọng vào một kết quả tốt đẹp từ cuộc gặp dự kiến sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc.
Cổ phiếu con chip, nhóm doanh nghiệp có sự phụ thuộc lớn vào doanh thu từ thị trường Trung Quốc, giảm mạnh trong phiên ngày 12/6.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,2 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,07 lần.
Có tổng cộng 5,98 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức trung bình 6,88 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất./.