Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phố Wall giảm mạnh sau khi Mỹ cảnh báo áp thuế toàn bộ hàng Trung Quốc

Nguyễn Thu (Theo Reuters, AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt mất điểm trong phiên 29/10 sau thông tin tiêu cực về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong tuần trước, các chỉ số chính của Phố Wall ghi nhận tuần giảm mạnh từ gần 3-4% do kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp lớn. Trong đó, chỉ số Nasdaq Composite có tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3/2018.
Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch 29/10, trong đó S&P 500 khép phiên tiệm cận trạng thái điều chỉnh lần thứ 2 trong năm 2018, chịu ảnh hưởng bởi những lo ngại mới về tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và đà giảm mạnh từ những cái tên công nghệ và internet lớn.
 Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch 29/10.
Sau đà tăng vào đầu phiên, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đảo chiều giảm mạnh sau khi Bloomberg đưa tin rằng Mỹ đang chuẩn bị thông báo áp hàng rào thuế quan đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc vào đầu tháng 12/2018 nếu các cuộc đàm phán trong tháng tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 tới đây không đạt được kết quả nào.
Các cổ phiếu công nghệ lớn và các cổ phiếu tăng trưởng đều bị bán mạnh trong phiên. Trong đó, nhóm cổ phiếu FANG – Facebook, Amazon, Netflix, Alphabet (Google) mất hơn 200 tỷ USD giá trị thị trường sau 2 phiên gần đây.
Sau khi S&P 500 lao dốc hơn 10% từ mức đóng cửa cao kỷ lục xác lập vào ngày 20/9/2018 trong suốt phiên giao dịch, chỉ số này đã xóa bớt đà giảm điểm và chốt phiên sụt 9.9% từ mức đỉnh.
Chỉ số Dow Jones cũng sụt hơn 10% từ mức đóng cửa kỷ lục thiết lập ngày 3/10/2018 trong suốt phiên giao dịch, trước khi đóng cửa giảm 8,9%.
Nhóm cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ lớn, như Amazon.com, Alphabet và Netflix, đều giảm mạnh. Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 giảm 1,8%.
Lĩnh vực công nghiệp, vốn được cho là nhạy cảm với các vấn đề thương mại, cũng mất 1,7%, trong đó cổ phiếu Boeing sụt 6,6%.
Biến động thị trường tài chính gia tăng trong những tuần gần đây, xuất phát từ đà tăng của lãi suất cùng với lo ngại về tăng trưởng kinh tế và căng thẳng thương mại. Giới đầu tư cũng ngày càng lo lắng về sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào ngày 6/11 tới.
Nhóm cổ phiếu internet cũng chịu sức ép từ kế hoạch đánh thuế lên doanh thu từ các diễn đàn trực tuyến của Anh.
 Theo Bloomberg, Mỹ đang chuẩn bị thông báo áp hàng rào thuế quan đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc vào đầu tháng 12/2018.  
Ngoài ra, dữ liệu công bố ngày 29/10 cho biết chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 9 tăng tháng thứ 7 liên tiếp. Tuy nhiên, thu nhập ghi nhận mức tăng thấp nhất trong hơn 1 năm trong bối cảnh tăng trưởng tiền lương trung bình, qua đó cho thấy tốc độ chi tiêu hiện tại không có khả năng duy trì.
Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 245,39 điểm (tương đương 0,99%) xuống 24.442.92 điểm, chỉ số S&P 500 mất 17,44 điểm (tương đương 0,66%) còn 2.641.25 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 116,92 điểm (tương đương 1,63%) xuống 7.050.29 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản mất điểm vào cuối phiên sau khi lình xình quanh tham chiếu gần như suốt phiên.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo sau dữ liệu tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp và sức mua trong nước yếu, gia tăng sự hoài nghi của nhà đầu tư về hiệu quả của những nỗ lực nhằm ổn định thị trường chứng khoán của Bắc Kinh. Đà bán tháo trên thị trường chứng khoán đại lục cũng khiến đà hồi phục của chứng khoán Hồng Kông bị hãm bớt lại.
Kết thúc phiên 29/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 34,80 điểm (tương đương 0,16%), xuống 21.149,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 56,74 điểm (tương đương 2,18%), xuống 2.542,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 94,41 điểm (tương đương 0,38%), lên 24.812,04  điểm.