Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phố Wall leo dốc 24%, chứng khoán toàn cầu có năm tăng mạnh nhất từ 2019

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán toàn cầu chứng kiến năm giao dịch tốt nhất kể từ năm 2019, chủ yếu bùng nổ trong 2 tháng cuối năm khi giới đầu tư đặt cược vào khả năng các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu giảm lãi suất trong năm 2024.

Kết thúc năm 2023, chỉ số MSCI chứng khiến mức tăng tốt nhất trong 4 năm. Ảnh: Thenews
Kết thúc năm 2023, chỉ số MSCI chứng khiến mức tăng tốt nhất trong 4 năm. Ảnh: Thenews

Theo tờ Finanial Times, MSCI World - chỉ số cổ phiếu của các thị trường phát triển toàn cầu - tăng 16% kể từ cuối tháng 10 và leo dốc tới 22% trong năm nay, ghi nhận mức tăng tốt nhất trong 4 năm.

Đà tăng mạnh của MSCI World phần lớn được thúc đẩy bởi chỉ số S&P 500 với mức tăng 14% kể từ tháng 10 và 24,2% trong năm nay.

Thị trường cổ phiếu toàn cầu giao dịch khởi sắc trong 2 tháng cuối năm 2023 chủ yếu nhờ kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sau khi hàng loạt dữ liệu cho thấy lạm phát giảm mạnh hơn dự báo.

Ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng lãi suất sẽ giảm mạnh vào năm 2024 đã góp phần cho sự phục hồi của thị trường trái phiếu, thu hút các nhà đầu tư vào cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thúc đẩy xu hướng này vào giữa tháng 12/2023 khi ngân hàng Trung ương Mỹ dự báo sẽ có 3 đợt hạ lãi suất trong năm tới.

Chiến lược gia tài sản Tim Murray tại T Rowe Price đánh giá: “Trong trường hợp Fed bắt đầu xoay trục chính sách tiền tệ, họ thực sự khiến các nhà đầu tư có tâm lý tích cực. Đó chắc là một bước tiến và thật bất ngờ”.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận năm giao dịch khởi sắc khi giới đầu tư hy vọng Fed sớm đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ và phấn khích khi kinh tế Mỹ có khả năng “hạ cánh mềm”.

Theo CNBC, đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/12, chỉ số Dow Jones giảm 21 điểm (tương đương 0,05%) về còn 37.690 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng 13,7% trong năm 2023. 

Chỉ số Nasdaq Composite cũng có năm giao dịch khởi sắc khi nhảy vọt tới 43,4%, mức tăng hàng năm tích cực nhất kể từ 2020.

Tính riêng trong tuần cuối cùng của tháng 12/2023, chỉ số S&P 500 cộng 0,3%. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt nhích 0,8% và 0,1%, thiết lập chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ năm 2019. 

Thành quả ấn tượng của năm 2023 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ sau đợt bán tháo 2022.

Phản ánh kỳ vọng vào sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hạ nhiệt từ mức hơn 5% vào cuối tháng 10 xuống còn 3,9% trong ngày 29/12.

Với lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động vẫn vững vàng, giới đầu tư trên sàn Phố Wall chuẩn bị bước sang năm mới với niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái và sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2024.

Nhờ niềm tin như vậy, đà phục hồi trong quý 4/2023 đã diễn ra trên diện rộng, từ cổ phiếu blue-chip cho tới cổ phiếu nhỏ.

Chỉ số Russell 2000, bao gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, nhảy vọt 12% trong tháng 12 - kết quả tốt nhất kể từ 11/2020 cũng như quý tốt nhất kể từ quý IV/2020. 

Bà Nancy Tengler, Giám đốc điều hành của Laffer Tengler Investments nói với đài CNBC cho rằng diện tăng rộng của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục trong năm 2024, nhưng một số cổ phiếu đã tăng cao có khả năng sẽ điều chỉnh.

Theo vị chuyên gia này, trước cuộc họp tháng 1 của Fed, giới đầu tư sẽ quan tâm đặc biệt đến những tuyên bố của giới chức Fed để đánh giá kỹ lưỡng hơn về triển vọng lãi suất. Những phát biểu này có thể gây ra một chút biến động trên thị trường trong thời gian đầu năm.

Trong khi đó, chỉ số tổng hợp trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp toàn cầu của Bloomberg cũng tăng 6% trong năm 2023.

Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11/2023 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 9,1% vào tháng 6/2022.

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11 cũng giảm xuống còn 2,4%, mức tăng hàng năm chậm nhất kể từ tháng 7/2021. Chỉ số CPI của Anh cũng giảm mạnh xuống còn 3,9%.

Thị trường hiện đang đặt cược rằng cả Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có tổng cộng 6 đợt hạ lãi suất trước cuối năm 2024, một sự thay đổi hoàn toàn so với lo ngại về lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” đã gây ra đợt bán tháo trái phiếu toàn cầu vào mùa Thu năm 2023.

Sonja Laud - Giám đốc đầu tư của Legal and General Investment Management nhận định với tờ Financial Times: “Các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu toàn cầu đã phải hứng chịu thiệt hại trong năm 2023. Bất kỳ dữ liệu kinh tế nào cũng có thể khiến thị trường biến động”.

Ở chiều ngược lại, chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh lại ghi nhận đã phục hồi khiêm tốn so với mức tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, khi tăng chưa đến 4% trong năm 2023.