Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng bệnh cho trẻ trong mùa lạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát thuốc và hướng dẫn điều trị cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Các tỉnh miền Bắc đang phải đối mặt với đợt rét kéo dài nhất từ đầu mùa đông đến nay khiến nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện. Thời điểm này, trẻ chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, vì vậy, phụ huynh cần chủ động phòng bệnh cho trẻ cũng như cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng. 

Chủ yếu mắc bệnh hô hấp

Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai thời điểm này, trong số các trẻ nhập viện có tới một nửa là các bệnh nhi bị viêm đường hô hấp, sốt cao và có biến chứng viêm phổi. Bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm họng là bệnh rất dễ gặp. Sốt trong viêm họng ở trẻ có thể sốt nhẹ, từ 37,5 - 380C, tuy vậy cũng có trường hợp sốt cao hơn, và có thể bị ho. Đây là dạng viêm họng cấp tính. Một số trẻ lớn hơn thường có viêm họng kèm theo viêm amidan. Khi trẻ bị viêm đường hô hấp không được điều trị kịp thời, dứt điểm sẽ dễ biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Ngoài các bệnh về đường hô hấp, thời điểm này, nhiều trẻ cũng bị tiêu chảy mùa đông, một số ít là sốt phát ban, thủy đậu, quai bị, viêm da…

 
Phát thuốc và hướng dẫn điều trị cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Kinhtedothi - Phát thuốc và hướng dẫn điều trị cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Để phòng bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo hơn, tránh nhiễm lạnh, đặc biệt là những bé có bệnh mạn tính, sức đề kháng giảm. Luôn phải giữ ấm cho trẻ trong mọi điều kiện sinh hoạt.

Khi thấy trẻ có biểu hiện ho, viêm phổi, sốt cao thì nên đưa đi khám sớm, không nhất thiết phải nhập viện mà nên theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, nếu triệu chứng nặng hơn hoặc qua điều trị thuốc tại nhà không đỡ thì phải đưa đến viện ngay, không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ. Hiện tượng lạm dụng thuốc không chỉ gây kháng kháng sinh ở trẻ mà còn ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, gây rối loạn tiêu hóa, làm trẻ chậm phát triển. Đối với những bé có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen, viêm tiểu phế quản, nếu thấy có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đưa đến bệnh viện.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng

Trong mùa lạnh, nhu cầu năng lượng của trẻ sẽ cao hơn vì một phần năng lượng bị tiêu hao để giữ ấm cho cơ thể, vì vậy, các bậc mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt tăng cường ngũ cốc nguyên cám giúp cung cấp năng lượng lâu dài, các loại đạm từ thịt, cá, trứng, sữa…, các loại chất béo từ dầu thực vật giúp trẻ không bị đói và mất sức.

Ngoài việc bổ sung các bữa ăn chính đầy đủ chất, cha mẹ nên cung cấp thêm năng lượng cho trẻ bằng bữa phụ với các món ấm nóng như súp, canh bổ dưỡng... Bên cạnh đó, cần cho trẻ uống nhiều nước, giữ vệ sinh tay chân, chăm sóc răng miệng sạch sẽ. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý tới giấc ngủ của trẻ, một giấc ngủ sâu sẽ khiến trẻ khỏe mạnh hơn, sức đề kháng được cải thiện rõ ràng hơn.