Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng bệnh viêm mũi dị ứng

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viêm mũi dị ứng là bệnh lý viêm niêm mạc mũi do các dị ứng dị nguyên gây ra. Bệnh rất dai dẳng, khó chữa, ảnh hưởng đến sức khỏe, công viêc, lao động của mọi người.rn

Nhiều nguyên nhân gây dị ứng
Khi bị viêm, niêm mạc mũi này trở nên nhạy cảm, vì vậy rất dễ bị kích ứng bởi các yếu tố dễ gây dị ứng như bụi, khói, phấn hoa, hóa chất, khói thuốc, lông thú, nấm mốc, thực phẩm có tính kích thích như hạt tiêu, ớt, không khí lạnh… Sau khi tiếp xúc với các dị ứng nguyên nói trên, bạn thấy xuất hiện một số hay nhiều triệu chứng sau đây là đã bị viêm mũi dị ứng: Đau họng thường xuyên, khàn giọng ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai và vòm họng; nhảy mũi, thường là từng tràng dài; chảy nước mũi, nghẹt mũi; mũi mất ngửi; thường phải thở bằng miệng, nhất là lúc ngủ, hay ngáy ngủ, nhức đầu; trẻ em hay bị viêm tai giữa, ho, nhất là lúc nằm ngủ ban đêm.
 Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, một số yếu tố tiền sử của gia đình cũng là nguyên nhân gây bệnh: Trong gia đình có người bị hen, nổi mề đay, những cá nhân bị dị ứng dễ nhạy cảm kích thích với các yếu tố ngoại lai, dị nguyên. Tiểu sử gia đình có người hay bị dị ứng, nếu các bà mẹ bị dị ứng thì con cái có thể bị dị ứng tới 65%. Một nghiên cứu của nước ngoài đã đề cập đến vấn đề: Dị ứng thường xuất hiện trên các cơ thể có rối loạn chuyển hóa, các rối loạn của gan, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm lý, tâm thần hoặc một số sản phẩm công nghiệp (sợi tổng hợp, khí gas, mỹ phẩm).
Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng số bệnh nhân viêm mũi dị ứng đang có khuynh hướng tăng dần. Đây là điều dễ hiểu bởi biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng. Đặc biệt, những trường hợp dị ứng từ môi trường làm việc như ở các xí nghiệp da giày, cắt may, hóa chất cũng tăng đáng kể trong những năm qua.
Viêm mũi dị ứng được chia làm 3 loại như sau:
Viêm mũi dị ứng theo mùa: Bệnh tái phát theo mùa chẳng hạn như mùa hoa nở, người bệnh dễ dàng hít phải các loại bào tử nấm hay phấn hoa ở trong không khí dẫn tới hiện tượng dị ứng.
Viêm mũi dị ứng quanh năm: Thể bệnh này xuất hiện quanh năm chứ không theo mùa, thời tiết hay các nguyên nhân khác.
Viêm mũi do nghề nghiệp: Một số ngành nghề tiếp xúc thường xuyên với các chất gây khói bụi và ô nhiễm nặng… dẫn tới hiện tượng dị ứng.
Phòng bệnh cách nào?
Cách điều trị viêm mũi dị ứng tốt nhất là tránh tiếp xúc với các dị nguyên và phòng ngừa không để các triệu chứng xảy ra. Giữ nhà khô sạch, thoáng khí, hút bụi thường xuyên, không nuôi chó mèo, diệt chuột, gián. Cần loại bỏ nấm mốc, những con mạt, những nơi thiếu ánh sáng, giày cũ, sách báo cũ, cây cảnh, giấy dán tường, chiếu, mền, thảm trải nền nhà, các loại hoa khô... Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng cần giữ ấm cơ thể như mặc đủ ấm, cổ nên được quàng khăn ấm. Khi nghi ngờ bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị sớm, tránh để bệnh thành mãn tính dẫn đến viêm họng, phế quản dị ứng, hen suyễn. Không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để điều trị. Chỉ dùng kháng sinh trong các trường hợp bội nhiễm và được bác sĩ chỉ định. Khi bị bệnh viêm mũi dị ứng, mọi người không nên tự điều trị mà hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
Ngoài việc điều trị, dinh dưỡng đóng vai trò khá quan trọng. Chế độ ăn phù hợp không những giúp giảm triệu chứng của bệnh mà còn giúp việc điều trị có hiệu quả hơn. Nên hạn chế sử dụng những thực phẩm hay gây dị ứng: Dị ứng thức ăn như đậu phộng, hoặc dâu tây, hoặc bất cứ loại thực phẩm nào khác có thể gây ra các triệu chứng như phát ban hoặc sưng. Tuy nhiên, ở một số người, dị ứng thức ăn có thể gây ra triệu chứng ở mũi, giống như nghẹt mũi. Nếu bạn nhận thấy việc ăn loại thực phẩm nào đó gây sưng viêm mũi, thì hãy hỏi bác sĩ để được xét nghiệm.