Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng bệnh viêm mũi, viêm xoang lúc giao mùa

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết giao mùa, nóng lạnh thay đổi bất thường là cơ hội để các bệnh viêm mũi, viêm xoang phát triển.

Nếu không phòng bệnh đúng cách, số người mắc mới sẽ gia tăng và những người đã có tiền sử mắc bệnh sẽ tái phát lại, thậm chí gây biến chứng nặng.
Trở trời là mắc bệnh  
Theo thống kê của Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư, mỗi ngày có khoảng 700 – 800 bệnh nhân đến khám, trong đó gần 50% số đó là các trường hợp viêm mũi, viêm xoang. Chị Nguyễn Thị Loan (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) thường xuyên bị tái phát viêm xoang mỗi khi trái gió trở trời. Bản thân bị thoái hóa cuốn giữa mũi trái nên khi trời chuyển lạnh chị Loan lại bị hắt hơi liên tục, ngứa, chảy nước mũi, đau nhức hai hốc mắt. “Mỗi lần bệnh tái phái là người cứ mệt lả theo, đầu thì đau, chân tay thì mỏi, cảm giác rất khó chịu” - chị Loan chia sẻ.

Khám bệnh cho trẻ tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải

Cùng nỗi khổ, anh Lê Văn Tuyền (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) thường xuyên tái phát bệnh viêm xoang mỗi khi thay đổi thời tiết. Trước kia anh Tuyền bị viêm mũi dị ứng nhưng do chủ quan không điều trị, lâu dần dẫn đến viêm xoang. Hơn nữa, do làm nghề thợ mộc, quanh năm hít bụi từ máy bào gỗ và ngửi mùi sơn, hóa chất nên bệnh ngày càng trầm trọng.
Không lạm dụng thuốc
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn khuyến cáo: Người mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang tuyệt đối không nên lạm dụng thực phẩm chức năng hoặc các bài thuốc Đông y trong điều trị.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn - Chủ Tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội & các tỉnh phía Bắc cho biết, để nhanh khỏi, không ít bệnh nhân tìm đến các loại thực phẩm chức năng, bởi đa số được quảng cáo là điều trị hiệu quả và dễ dàng mua. Việc hiểu lầm thực phẩm chức năng có hiệu quả điều trị như thuốc và sử dụng thay thế thuốc đang thực sự gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt với những bệnh có tính chất dai dẳng, mạn tính như viêm mũi, xoang, thực phẩm chức năng càng không thể có tác dụng điều trị bệnh như thuốc.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bệnh nhân áp dụng các bài thuốc Đông y như  nhỏ rượu tỏi hoặc xông mũi bằng thuốc nam để chữa bệnh cũng gây ra những hậu quả đáng tiếc khi dùng không đúng cách như viêm nhiễm nặng hơn, tổn thương niêm mạc mũi. Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, để tốt nhất trong việc điều trị, ngay khi bệnh khởi phát, người bệnh cần theo dõi các triệu chứng và đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng tư vấn liệu trình điều trị thích hợp. Không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thương hiệu không uy tín. Chỉ nên sử dụng thuốc đã được nghiên cứu lâm sàng và được sử dụng điều trị tại các bệnh viện lớn. Ngoài ra, để phòng bệnh tốt nhất, người dân khi đi ra ngoài đường cần sử dụng khẩu trang để giữ ấm vùng mũi, hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn; tắm nhanh bằng nước đủ ấm trong buồng kín gió; thường xuyên vệ sinh họng, súc họng nước muối sinh lý. Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau... Người mắc bệnh nên uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh.