Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dứt điểm có thể gây biến chứng, viêm phổi và tử vong.
Điều trị kịp thời
Có nhiều nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính, trong đó do sức đề kháng yếu, sau mắc một số bệnh nhiễm khuẩn (cảm cúm, sởi...), khi có các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể không đủ sức đề kháng để chống lại chúng. Bên cạnh đó là các yếu tố thuận lợi cho vi sinh vật phát triển: Thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt, hoặc môi trường nhiều khói, bụi, mắc bệnh hen mạn tính. Tác nhân gây bệnh viêm phế quản cấp tính xếp hàng đầu là các loại virus đường hô hấp, bên cạnh virus là vi khuẩn phế cầu, não mô cầu, tụ cầu, liên cầu... đều có thể gây viêm phế quản cấp khi sức đề kháng kém và các điều kiện thuận lợi khác, chúng sẽ xâm nhập cơ thể và gây bệnh.
Khi trẻ mới bị viêm phế quản, có những triệu chứng điển hình như ho, xuất hiện đờm đục hoặc có màu xanh, cổ họng bắt đầu đau rát. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị sốt, mệt mỏi, chán ăn, nôn ói và có cảm giác đau ngực. Trường hợp phế quản bị viêm nặng hơn, trẻ thường có triệu chứng như tím tái, cơn thở khó khăn, hoặc đôi khi ngừng thở. Đối với trẻ em, trẻ sơ sinh, khi chưa biết nói thì cha mẹ cần hết sức lưu ý đến các dấu hiệu chẩn đoán viêm phế quản như ho và sốt kéo dài trong vòng từ 2 - 3 tuần, ban đêm khó thở, thở khò khè có thể nghe tiếng thở ran rít, bỏ bú, nôn trớ… Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sùi bọt mép, thở khó, sắc mặt tím tái… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất vì lúc này có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Khi nghi trẻ bị viêm phế quản cấp, phụ huynh cần đưa đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị sớm. Đặc biệt, trẻ em suy dinh dưỡng, còi xương và người cao tuổi có sức khỏe kém không được chủ quan, bởi biểu hiện của viêm phế quản cấp ở các đối tượng này tuy không rầm rộ nhưng đôi khi bệnh rất nặng. Việc lặp đi lặp lại nhiều lần viêm phế quản có thể là biểu hiện của một số bệnh biến chứng như viêm phế quản mãn tính, hen, các rối loạn phổi.
Phòng bệnh đúng cách
Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh. Đối với trẻ lớn hơn, cho trẻ uống nhiều nước mỗi ngày, thường xuyên làm thông thoáng và làm sạch mũi cho trẻ bằng cách dùng nước muối sinh lý. Bên cạnh đó, mùa lạnh cần đảm bảo trẻ luôn được giữ ấm, tránh nhiễm lạnh khi thời tiết thay đổi đột ngột. Ngoài ra, cha mẹ nên vệ sinh thân thể bé luôn sạch sẽ, thay quần áo, lau mồ hôi cho trẻ để tránh nhiễm lạnh. Tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường khói bụi, thuốc lá.
Đối với những trẻ hay bị viêm mũi, họng mạn tính, nên súc họng nước muối ấm hàng ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Trẻ bị viêm phế quản, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc ép trẻ ăn uống quá nhiều có thể khiến trẻ mệt, nôn trớ, do vậy, trong một ngày nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn nhỏ giúp làm giảm lượng thức ăn trong một lần ăn. Chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, các loại vitamin như vitamin C, E, A, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm ở phế quản và khó thở của trẻ. Các loại hoa quả, rau xanh giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt tốt cho bệnh nhân viêm phế quản. Nên cho trẻ ăn nhiều sữa chua vì sữa chua chứa nhiều vi khuẩn thân thiện có lợi cho hệ tiêu hóa và cũng có tác dụng tốt đối với bệnh nhân viêm phế quản.