Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng cháy, chữa cháy tại làng nghề: Vẫn còn tư tưởng chủ quan

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù không ít vụ hỏa hoạn đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, song hiện nay công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các làng nghề trên địa bàn TP thực sự chưa được quan tâm đúng mức.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn
Hiện nay trên địa bàn TP có trên 1.300 làng nghề, với hàng trăm nghề khác nhau như nghề mây tre đan, nghề mộc, dệt lụa, chẻ tăm hương… Tuy nhiên, số địa phương đã xây dựng điểm công nghiệp tập trung vẫn còn rất hạn chế, đa phần các cơ sở hoạt động trong khu dân cư, tận dụng không gian sinh hoạt của gia đình làm nơi sản xuất, từ sân nhà, bếp, thậm chí cả đường làng, ngõ xóm. Đây đều là nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao, chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong đun nấu, thắp hương, hút thuốc… đều có thể dẫn tới hỏa hoạn. Trong khi đó, lực lượng lao động của làng nghề khá đa dạng, không phân biệt tuổi tác, trình độ, từ trẻ nhỏ cho tới những cụ già nên nhận thức có sự chênh lệch lớn, đặc biệt là ý thức về PCCC. Đa số người làm nghề chỉ đặt mục tiêu tăng lợi nhuận, chứ không chú ý tới đầu tư cải thiện môi trường làm việc, nhất là công tác PCCC.

Hoạt động tái chế nhựa ở Tân Triều, Thanh Trì.

Chia sẻ về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Tấn Dũng - Phó Trưởng Phòng cảnh sát PCCC số 7, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Do các làng nghề chủ yếu nằm trong các khu dân cư hoặc phát triển tự phát tại các điểm đất xen kẹt, đường giao thông chật hẹp nên xe cứu hỏa lớn khó tiếp cận khi xảy ra cháy. Đặc biệt là nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các làng nghề còn rất thiếu thốn. Tiêu biểu như vụ hỏa hoạn tại cơ sở tái chế phế liệu ở xã Tân Triều, Thanh Trì hồi tháng 6/2017, mặc dù đội có mặt kịp thời ngay khi nhận được tin báo cháy, tuy nhiên do đây là cơ sở xây dựng tự phát nên tại đây không có họng tiếp nước. Vì vậy, lực lượng PCCC đã phải huy động máy bơm tay lấy nước từ ao hồ cách đó hơn 300m, ảnh hưởng tới thời gian dập tắt đám cháy, khiến cả xưởng bị thiêu rụi hoàn toàn.
Thờ ơ với phòng cháy, chữa cháy
Vài năm gần đây, trên địa bàn TP liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn lớn, gây thiệt hại cả về người và tài sản. Nguyên nhân chính là do sự chủ quan, cẩu thả của người lao động. Đa phần các cơ sở không có trang thiết bị PCCC, thậm chí có trang bị nhưng không học cách sử dụng.
Tại cơ sở thu gom tái chế nhựa của anh Lương Minh Chiến ở xóm Cầu, Tân Triều, Thanh Trì, rác thải nhựa hiện diện ở khắp mọi nơi, chất thành từng đống. Xưởng được gia đình quây tạm bợ bằng tấm tôn, phủ bạt nilong. Hệ thống điện tạm bợ giăng mắc chằng chịt khắp xưởng. Chỉ cần một tàn hương hay tia lửa điện cũng có thể tạo nên một đám cháy lớn. Tuy nhiên, gia đình anh lại không có các thiết bị PCCC. “Gia đình tôi làm ở đây đã được hơn 3 năm nay rồi nhưng có để cháy nổ gì đâu” - anh Chiến vô tư nói.
Cũng là một làng nghề tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, làng mộc Dị Nậu, huyện Thạch Thất có gần 2.000 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ các loại. Mặc dù là loại hình sản xuất với các vật liệu dễ cháy như gỗ, cồn, xăng, vecni…, tuy nhiên hầu hết các hộ sản xuất ở đây vẫn lơ là, chủ quan với công tác PCCC. Có mặt tại xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, xóm 10, Dị Nậu, một trong số ít gia đình có trang bị bình bọt chữa cháy, tuy nhiên khi hỏi công nhân làm việc trong xưởng về cách thức sử dụng bình chữa cháy thế nào thì nhiều người gãi đầu tỏ ra khá lúng túng.
Ông Nguyễn Văn Đồng - cán bộ Môi trường của xã Dị Nậu cho biết, xã thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân về cách PCCC. Ngoài ra, phòng cảnh sát PCCC huyện Thạch Thất cũng thường xuyên về tập huấn cho người dân. Tuy nhiên, ý thức tự giác của người dân không cao, đa phần còn chủ quan.
Qua đó có thể thấy rằng, nguy cơ cháy ở các làng nghề là rất lớn. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất hỏa hoạn xảy ra thì người sản xuất cần chủ động hơn với công tác PCCC, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.