Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em: Trách nhiệm của cả gia đình và cộng đồng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới đang phải đối mặt với tình trạng các vụ việc xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình diễn biến phức tạp, gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển, tâm lý của trẻ em và phụ nữ.

Từ đầu năm đến nay, qua quá trình theo dõi, nắm bắt và tổng hợp của các quận, huyện, thị xã, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tiếp nhận: 4 thông tin liên quan đến trẻ em bị xâm hại tình dục, 9 thông tin liên quan đến trẻ em bị bạo hành, 10 vụ bạo lực giới, bạo lực gia đình (trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em). Tuy nhiên, những vụ việc nêu trên mới chỉ là “tảng băng nổi” chưa phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em trên địa bàn TP. Trên thực tế, số lượng các vụ việc xảy ra nhiều hơn thế, nhưng gia đình nạn nhân không khai báo, tố cáo đối tượng do sợ mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ em và phụ nữ.
Diễn đàn 'Trẻ em với vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em', được trường THCS Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) tổ chức, diễn ra tháng 1/2018.
Từ thực trạng nêu trên, yêu cầu đặt ra cho những người làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới là cần phải có những giải pháp kịp thời, hiệu quả để công tác phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em được thực hiện một cách tốt nhất. Một trong những giải pháp đặt lên hàng đầu chính là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

Hàng năm, Sở LĐTB&XH đều duy trì công tác tuyên truyền, PBGDPL tới cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới của 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn, đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng các văn bản và các kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Sở đã chủ động trong việc lựa chọn các hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, nhu cầu để mọi đối tượng được tiếp cận dễ dàng và hiệu quả cao như tổ chức tập huấn, diễn đàn, chiến dịch truyền thông, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, in ấn các sản phẩm truyền thông…

Việc triển khai hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn TP đã góp phần làm cho các chủ trương, chính sách, pháp luật đi vào đời sống; từng bước nâng cao nhận thức, hành vi trong việc phát hiện, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, bạo lực gia đình, phòng ngừa, can thiệp trợ giúp đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại, lạm dụng và những trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thuỷ, với vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức hội, các cán bộ, hội viên phụ nữ đã được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trẻ em, luật phòng chống bạo lực, để làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân trong công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, lạm dụng. Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại.