Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng chống bạo lực học đường: Gắn kết chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/4, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường”. Bên cạnh tầm quan trọng của cha mẹ trong vấn đề phối hợp với nhà trường để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, phần lớn các khách mời tham gia buổi tọa đàm đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc kết nối giữa gia đình với nhà trường và vai trò của giáo viên chủ nhiệm.

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà tặng hoa lưu niệm cho khách mời. Ảnh: Văn Trọng
Giáo viên chủ nhiệm vẫn bị xem nhẹ

Sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Hưng Yên trong vụ bạo lực học đường xảy ra tại trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phòng, cần xem xét để cách chức toàn bộ Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp để xảy ra vụ việc. Song, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc kỷ luật Ban giám hiệu là đúng về trách nhiệm nhưng chưa thỏa đáng. “Với vụ việc này, phải quay lại đánh giá cô GVCN này đã được đào tạo đầy đủ chưa, trước khi xảy ra vụ việc vai trò của GVCN đã được tôn trọng hay chưa. Người kết nối giữa nhà trường và gia đình chính là GVCN nhưng vị trí này hiện nay lại đang bị xem nhẹ” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Nhiều GVCN hiện nay phải phụ trách 40 - 50 học sinh, do đó để các thầy cô quan tâm đến từng cá nhân mỗi học sinh thì rất khó, bởi khối lượng công việc rất lớn. Tại các trường Đại học Sư phạm cũng cần đào tạo về kỹ năng tư vấn, điều chỉnh tâm lý cho sinh viên nhiều hơn để khi đi giảng dạy, các thầy cô có đủ kiến thức kỹ năng hướng dẫn cho học sinh.

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Ngọc Tuấn

Nhiều năm làm công tác quản lý trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định, những trường chú trọng đến vai trò và năng lực của GVCN sẽ không xảy ra các vụ bạo lực học đường. Thực tế, GVCN là những người hàng ngày tiếp xúc, gần gũi với học sinh, là những người trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh khi ở trường. Tuy nhiên, ở nhiều trường, những giáo viên phụ dạy ít tiết, ít kinh nghiệm lại được phân công kiêm nhiệm làm GVCN. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng năng lực cho GVCN chưa được chú ý, chế độ đãi ngộ đặc thù cho GVCN chưa tương xứng. Theo thầy Lâm, việc dạy học trò không chỉ là quát mắng mà phải là tâm sự, GVCN phải có kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng về giáo dục tâm lý, song không mấy GVCN có đủ được các kỹ năng này.

Chủ động kết nối với phụ huynh

Đang đảm nhiệm công việc GVCN và dạy môn Ngữ Văn tại trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô giáo Vũ Thị Tuyết Nga chia sẻ, thường những vấn đề tâm lý của học sinh không phải do gia đình phát hiện báo cho nhà trường mà do các GVCN qua quan sát các biểu hiện của học sinh, tâm sự với các con phát hiện và đề xuất đến phòng tâm lý trường học và Ban giám hiệu can thiệp. “Việc kết nối giữa nhà trường và gia đình rất quan trọng. Nhiều khi chúng tôi phải mời phụ huynh học sinh trong lớp đến tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, giáo dục tâm lý của học sinh để các phụ huynh quan tâm, chia sẻ với các em. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại chỉ quan tâm đến thành tích học tập của các con, phó mặc việc dạy kỹ năng sống cho nhà trường” - cô Nga giãi bày.

Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ, nhà trường luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ GVCN. Theo cô Nhiếp, trong buổi họp phụ huynh, GVCN bên cạnh việc báo cáo tình hình của nhà trường phải có những chia sẻ với phụ huynh về những thay đổi tâm sinh lý của học sinh ở lứa tuổi này, khuyến khích các phụ huynh chủ động chia sẻ nhắn tin, gọi điện cho GVCN khi có những vướng mắc trong giáo dục con mình để cùng phối hợp giải quyết. Đồng thời, GVCN cũng phải chủ động, thường xuyên trao đổi lại với phụ huynh về tình hình của học sinh cả về học tập và những biểu hiện trong thay đổi tâm sinh lý.

TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị, Luật Giáo dục cần phải đưa vào phần nhà giáo là có chức danh riêng cho GVCN, có quy định yêu cầu cụ thể với vị trí này. “GVCN sẽ được tôn vinh ra sao, đãi ngộ như nào cần ghi rõ. Người kết nối gia đình với nhà trường, người làm nên thành công của phòng chống bạo lực học đường chính là đội ngũ GVCN” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.