Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: An toàn sinh học là “vũ khí” tối ưu

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn sinh học là giải pháp tối ưu và duy nhất hiện nay để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lây lan. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý tại hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống bệnh DTLCP do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 11/7.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn tại huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn
An toàn giữa vùng dịch
Thời điểm DTLCP bùng phát, Công ty CP Amavet bị thiệt hại một đàn lợn nhỏ trong tổng số 500 con. Ngay sau đó, đơn vị đã tiến hành tiêu hủy triệt để, cách ly đàn lợn, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học có tên Kangjuntai phối trộn vào thức ăn cho đàn lợn. Chế phẩm có tác dụng ức chế, kìm hãm sự nhân lên của virus DTLCP. Ngoài ra, phương thức chăn nuôi an toàn sinh học cũng được Công ty áp dụng triệt để. Theo đó, đơn vị thường xuyên phun thuốc sát trùng người, phương tiện ra vào trang trại. Nuôi cách ô lợn nái – lợn thương phẩm – lợn hậu bị… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều tháng qua, trang trại của Công ty không xảy ra dịch bệnh.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 62/63 tỉnh, TP. Hiện, cả nước chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa phát sinh dịch bệnh. Tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 3,3 triệu con. Riêng tại Hà Nội, DTLCP đã xảy ra tại 27.689 hộ chăn nuôi (chiếm 34,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) thuộc 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và tiêu hủy 481.649 con (chiếm 25,7% tổng đàn lợn toàn TP). Đến nay, TP đã chi tới 1.500 tỷ đồng cho công tác phòng, chống DTLCP; trong đó, kinh phí hỗ trợ lợn tiêu hủy là 1.300 tỷ đồng.

Một cơ sở chăn nuôi khác cũng đang rất thành công với phương thức chăn nuôi an toàn sinh học là Tập đoàn Quế Lâm. Từ năm 2013, đơn vị tổ chức chuỗi sản xuất thịt lợn hữu cơ tại tỉnh Thừa Thiên Huế. 15 mô hình liên kết với các nông hộ, gia trại, hiện chăn nuôi khoảng 1.000 con lợn. Lợn giống được nhập từ những vùng an toàn dịch bệnh. Chuồng nuôi có đệm lót, hệ thống phun mù cân bằng nhiệt độ. Lợn được sử dụng thức ăn do tập đoàn phát triển, phối trộn với chế phẩm sinh học. Nhờ triển khai tổng hòa các giải pháp nên dù nằm trong vùng dịch bệnh nhưng đàn lợn 1.000 con lợn vẫn an toàn. Sản lượng thịt lợn của Tập đoàn Quế Lâm tiêu thụ tăng gấp đôi từ khi DTLCP bùng phát.

Thực tế, chưa có nghiên cứu cụ thể về ý nghĩa của việc áp dụng giải pháp an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh trong phòng, chống DTLCP. Tuy nhiên, việc các trang trại chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm và Công ty CP Amavet an toàn trong tâm dịch cho thấy hiệu quả rất tích cực của nhóm giải pháp “kép” nêu trên.

Nhân rộng giải pháp an toàn sinh học

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, là dịch bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh nên thời gian tới, nguy cơ DTLCP sẽ tiếp tục lây lan. Nếu không triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành chăn nuôi lợn có nguy cơ "vỡ trận". Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thực tiễn vừa qua cho thấy, các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn có triển khai các giải pháp an toàn sinh học vẫn an toàn trong dịch bệnh. Do đó, đây sẽ là nhóm giải pháp tối ưu cần nhân rộng trong thời gian tới. Cho rằng chưa có loại dịch bệnh nào mà toàn hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương phải vào cuộc đồng bộ như đối với DTLCP thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng thời nhấn mạnh, DTLCP không đáng sợ nếu người chăn nuôi nắm chắc nguyên lý.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh ngành chăn nuôi phải sống chung với DTLCP, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh. “Bộ đang chỉ đạo Cục Thú y đánh giá, tổng hợp các mô hình áp dụng hiệu quả phương thức an toàn sinh học trong chăn nuôi, sớm ban hành hướng dẫn để các địa phương tuyên truyền, nhân rộng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần