Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Mạnh tay xử lý vi phạm

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), UBND huyện Sóc Sơn còn tăng cường thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh.

Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội mạnh tay xử phạt các trường hợp vi phạm.

Cuối tháng 5/2019, hộ bà Nguyễn Thị Phúc ở thôn Cẩm Hà (xã Tân Hưng) đã bị UBND huyện Sóc Sơn ban hành quyết định xử phạt vì có hành vi mua bán, giết mổ lợn chết, lợn bị bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP. Gia đình bà bị phạt 7 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

Tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Sóc Sơn.

Không chỉ có hộ bà Phúc, đến nay, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành thêm 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc đối với 3 trường hợp khác tại các xã: Hiền Ninh, Tân Minh và Việt Long. Những hộ chăn nuôi này cũng vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP. Tổng số tiền phạt của 3 hộ nêu trên là 22 triệu đồng.

Để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống bệnh DTLCP, huyện Sóc Sơn chỉ đạo duy trì đường dây nóng 24/24 giờ, tiếp nhận thông tin từ các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ và người dân. Thực hiện nghiêm túc việc trực chốt tại các trạm kiểm dịch động vật. Tập huấn, thông tin, tuyên truyền để cộng đồng chung tay phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm…

Theo thống kê, huyện Sóc Sơn hiện là địa phương có tổng đàn lợn bị tiêu hủy lớn nhất toàn TP với trên 123.000 con (chiếm khoảng 57% tổng đàn lợn của huyện). Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh nhận định, trong bối cảnh chưa có vaccine phòng chống và thuốc điều trị, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ tại địa phương chiếm tỷ lệ tới 85%, nguy cơ bệnh DTLCP sẽ tiếp tục lan rộng.

Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp phòng chống, địa phương rất chú trọng tới công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi có vi phạm để tạo sức răn đe. Các trường hợp bị xử phạt cũng được thông tin, tuyên truyền rộng rãi để người chăn nuôi biết, không vi phạm; đồng thời chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Cũng theo bà Vi Thị Bình Anh, huyện Sóc Sơn còn nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng đến nay, đơn vị đã phải bố trí trên 142 tỷ đồng cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP, trong đó, khoảng 122 tỷ đồng là hỗ trợ trực tiếp cho hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Hiện, quỹ dự phòng của huyện đã… cạn kiệt. Chính vì vậy, địa phương kiến nghị Sở Tài chính sớm báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, hỗ trợ bổ sung kinh phí, tạo điều kiện để huyện tiếp tục triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp khống chế dịch bệnh lan rộng.