Phòng, chống dịch covid-19 dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Nỗi lo từ những “biển người”!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước trong khu vực, có chung đường biên giới với Việt Nam nhiều chuyên gia lo ngại về làn sóng dịch lần thứ 4 nếu chính quyền địa phương và người dân lơ là phòng, chống. Đặc biệt là kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày, nếu chủ quan, lơ là nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào cộng đồng Việt Nam là rất lớn khi lượng người đi lại tăng cao.

Thảm cảnh ở Ấn Độ và bài học cho Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, chưa bao giờ có một dịch bệnh nào có số ca mắc và tử vong khủng khiếp như dịch Covid-19 ở Ấn Độ thời điểm này. Làn sóng lây nhiễm thứ hai trở thành thảm kịch đối với Ấn Độ bởi sự tự tin thái quá của Chính phủ và coi thường của người dân nước này trước các quy định chống dịch.
Ngay đầu tháng 3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuyên bố quốc gia của ông đang "trong giai đoạn cuối" của đại dịch. Người dân Ấn Độ bắt đầu lơ là các quy tắc chống dịch khi chương trình tiêm phòng vaccine Covid-19 được triển khai và số ca nhiễm sụt giảm. Tuy nhiên, đây cũng là lúc virus SARS-CoV-2 đột biến và lây lan nhanh chóng hơn bao giờ hết.
 ''Biển người'' dự lễ hội Đền Hùng trong đó nhiều người không đeo khẩu trang. Ảnh: Ngọc Tú 
Một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch lần này tại Ấn Độ là các cuộc tụ tập đông đúc, các cuộc biểu tình liên quan đến bầu cử cũng như các lễ hội tập trung đông người và các cuộc tụ họp tôn giáo đã khiến số ca nhiễm tăng mạnh. Đơn cử, TP Mumbai đã mở lại mạng lưới tàu ngoại ô khổng lồ và chính quyền cho phép hàng chục nghìn du khách đến các sân vận động để xem các trận đấu cricket quốc tế. Hay lễ hội Kumbh Mela với sự tham gia của gần 5 triệu tín đồ Hindu và phần đông người trong số này không đeo khẩu trang.
Sự kiện tôn giáo lớn nhất thế giới ấy đã trở thành sự kiện "siêu lây nhiễm". Giới chức TP Haridwar cho biết đã phát hiện gần 2.000 ca nhiễm trong số những người tham gia lễ hội chỉ trong 2 ngày 12 và 13/4 vừa qua.

Tình hình lây nhiễm Covid-19 và tử vong tại Ấn Độ đã khiến cả thế giới sửng sốt. Thảm kịch ở Ấn Độ là lời cảnh báo cho bất cứ quốc gia nào lơ là trong công tác phòng chống dịch. Ấn Độ hiện đang trải qua những ngày đen tối nhất lịch sử, bệnh viện không đủ giường bệnh, không tiến hành đủ xét nghiệm, thiếu thuốc men và oxy, bệnh nhân, tử thi nằm la liệt khắp đường phố, bệnh viện. Quốc gia 1,4 tỷ dân này đang oằn mình trước số ca mắc, ca tử vong không ngừng gia tăng.
“Nhìn bức tranh tổng thể của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhất là tại các nước trong khu vực, chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ tình hình dịch lây nhiễm Covid-19 vào Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói. 
Thực sự đáng lo!

Sự kiện hơn 10.000 người tham dự đêm khai hội du lịch Sầm Sơn năm 2021 vừa diễn ra ở Thanh Hóa nhưng rất nhiều người không đeo khẩu trang, không có biện pháp phòng chống dịch đã dấy lên lo ngại trong dư luận về sự lây nhiễm dịch Covid-19. Dự kiến, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới đây, TP biển Sầm Sơn sẽ đón khoảng 100.000 khách (trong đó, mỗi ngày có khoảng 40.000 - 50.000 khách lưu trú qua đêm).
Tương tự, TP Đà Nẵng cũng dự kiến đón gần 130.000 lượt khách trong dịp nghỉ lễ sắp tới, trong đó chủ yếu là khách lưu trú tại các khách sạn ven biển. Hay tại Kiên Giang, Sở Du lịch tỉnh này cho biết, trong ngày nghỉ lễ sắp tới, ước tính có khoảng trên 80.000 lượt khách du lịch đến với Kiên Giang; còn Khánh Hòa cũng dự kiến đón 70.000 lượt khách du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ…

Nhìn vào hình ảnh biển người chen chân tại đêm khai hội Sầm Sơn cuối tuần qua, mà khẩu trang lơ thơ kẻ có người không thực sự đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. “Nếu trong biển người ấy, có một ca F0 xuất hiện, chúng ta sẽ truy vết thế nào, nguy cơ dịch bệnh sẽ lây nhiễm, bùng phát đến đâu?” - chị Trần Hoài Thu (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ.

Chẳng riêng gì ở biển Sầm Sơn, tại lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, rất nhiều du khách cũng thờ ơ phòng, chống dịch, nhiều người cả gia đình không ai đeo khẩu trang, có người chỉ đeo khẩu trang kiểu đối phó, có người thì đeo hờ dưới mũi. Thậm chí, nhiều người khi chen chân, nóng nực, oi bức cởi bỏ cả khẩu trang hòa vào dòng người đi lễ.

Hay tại các địa điểm công cộng khác như bệnh viện, bến xe, rạp chiếu phim, siêu thị… hiện nay, người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là. Nhiều người không đeo nhưng cũng không bị ai nhắc nhở. Còn tại các sân bay, Cục Hàng không cho biết, qua kiểm tra giám sát thời gian gần đây đã phát hiện nhiều hành khách khi vào khu vực cách ly, người thân đưa/đón khách, tài xế taxi, xe hợp đồng vào khu vực nhà ga… không đeo khẩu trang theo quy định. Những biểu hiện lơ là, thiếu cảnh giác làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua đường hàng không, đặc biệt là tình trạng hành khách không đeo khẩu trang tại khu vực cách ly của nhà ga.

Trước tình hình đó, Cục Hàng không đã có công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch, giám sát hành khách đeo khẩu trang, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè.

Tuyệt đối không được chủ quan

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, về cơ bản đến nay Việt Nam đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 chủng mới được đánh giá là "biến ảo" khó lường. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã rơi vào tình huống làn sóng thứ 2, thứ 3 vô cùng phức tạp.

Đề cập đến nguy cơ Việt Nam đối mặt với làn sóng dịch mới, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam bày tỏ sự lo lắng khi kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày tới, người dân đi du lịch, đến những điểm công cộng, những nơi tụ tập đông người nhưng lại phớt lờ nguyên tắc 5K.
“Hiện nhiều người cho rằng "đã hết dịch", nên họ thoải mái ngồi sát nhau, cụng ly, bắt tay hay đi những địa điểm công cộng đông người… mà không đeo khẩu trang, liên tục tiếp xúc gần. Điều này vô cùng nguy hiểm” - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo, dịch Covid-19 tại một số nước láng giềng dịch đang tăng mạnh, Việt Nam kiểm soát dịch thành công trong thời gian dài, nhưng người dân bắt đầu chủ quan dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Nhất là khi tình trạng nhập cảnh trái phép còn phức tạp và sắp đến kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, người dân đi du lịch, đến những nơi đông người, ý thức phòng dịch cần được đưa lên hàng đầu.

Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo, mỗi người dân phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác chống dịch. Biện pháp khẩn cấp lúc này, quan trọng hơn cả, vẫn là 5K: khẩu trang - khử khuẩn - khai báo - khoảng cách - không tụ tập. Các ngày nghỉ lễ dài sắp đến, mùa Hè - mùa du lịch cũng sắp đến, việc áp dụng 5K càng phải được chú ý hơn.

Ngày 26/4, Bộ VHTT&DL đã có văn bản số 1343 đề nghị tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực VHTT&DL.

Bộ cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 541/CT-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Các ban quản lý di tích, bảo tàng, ban tổ chức lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; khán giả đến rạp chiếu phim, khách tham quan bảo tàng, di tích - danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội, khách du lịch. Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần