Theo đánh giá, công tác phòng chống dịch SXH vẫn còn nhiều vấn đề vẫn cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Số ca mắc nội thành giảm, ngoại thành tăng
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, dịch SXH đã lưu hành ở 30/30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, trong tuần qua, số ca mắc ở các quận nội thành (Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm) đã có xu hướng giảm nhưng số ca mắc ở các huyện ngoại thành (Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên) lại có xu hướng tăng. Bởi lẽ, trong thời gian qua, các biện pháp phòng dịch được tập trung chủ yếu cho các quận có số mắc cao. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm nhận định, tình hình dịch SXH ở Hà Nội trong 3 tuần qua đã chững lại. Tuy nhiên, hiện nay đang là cao điểm của mùa dịch nên số ca mắc vẫn có thể tăng. Qua theo dõi của ngành y tế, 85% số ca mắc trên 15 tuổi, tỷ lệ mắc ở học sinh sinh viên và lao động ngoại tỉnh chiếm 45%.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm, Hà Nội đã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy là lượng chính trong công tác diệt bọ gậy. Tuy nhiên, qua đánh giá, 60% đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động có hiệu quả, 40% các đội hoạt động chưa hiệu quả. Bộ Y tế cũng đã điều động 110 sinh viên trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế công cộng hỗ trợ Hà Nội trong việc giám sát diệt bọ gậy. Số sinh viên này đã lập thành 33 đội giám sát ở 11 quận, huyện và 47 xã, phường. Qua đó phát hiện khoảng 20% hộ gia đình còn bọ gậy, trước đó tỷ lệ này là 50%. Về việc phun hóa chất, Hà Nội phấn đấu hết tuần này sẽ phun được 100% các trường học để giảm nguy cơ khi học sinh sinh viên mắc bệnh trước khi khai giảng. Nếu trường học nào phát hiện bọ gậy trong trường thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.
Hóa chất phun đạt tiêu chuẩn
Trước thông tin người dân Hà Nội cho rằng hóa chất phun diệt muỗi trong đợt dịch SXH năm nay không đạt tiêu chuẩn, chỉ 1 - 2 tiếng sau phun lại xuất hiện muỗi, tại cuộc họp, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Trần Như Dương cho biết, đó là muỗi mới nở từ bọ gậy còn tồn tại trong các hộ gia đình từ trước đó. Cụ thể, từ 14 - 21/8, 3 đội giám sát của Viện phụ trách 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã đánh giá kết quả trước và sau phun. Kết quả, trước khi phun mật độ muỗi rất lớn nhưng sau phun 24 giờ thì mật độ muỗi trưởng thành bằng 0. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước và sau phun có giảm nhưng không triệt để. “Chính những ổ bọ gậy còn sót trong các hộ gia đình nên sau phun những con bọ gậy ngày 3, 4 chỉ cần vài giờ lại nở thành muỗi. Do vậy, biện pháp phun hóa chất chỉ là xử lý phần ngọn, biện pháp giải quyết triệt để phải là diệt bọ gậy” – TS Trần Như Dương nhấn mạnh.
TS Trần Như Dương cho biết thêm, Hà Nội dùng thuốc phun Delta Metrin, đây là loại thuốc được WHO khuyến cáo dùng, đứng đầu danh mục các thuốc nên dùng để diệt muỗi truyền bệnh SXH. Loại thuốc này đã được Bộ Y tế, Hội đồng các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá rất nghiêm ngặt về tính hiệu lực và tính an toàn mới được đưa vào sử dụng. Hàng năm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Sốt rét kỹ sinh trùng côn trùng đều có đánh giá thực tế. Cụ thể, từ ngày 20/6 – 1/7/2017, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã tiến hành bắt muỗi và thử nghiệm thực nghiệm tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) thì tỷ lệ muỗi chết là 97,8%. Theo đánh giá của WHO thì chỉ số này cho thấy thuốc đạt hiệu lực tốt.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Hà Nội không coi thường các ổ dịch nhỏ, phải coi mỗi quận, huyện là một ổ dịch. Bên cạnh đó, cần siết chặt hoạt động của các đội tình nguyện xung kích diệt bọ gậy, tăng cường các biện pháp truyền thông và phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, địa phương. Đặc biệt cần kêu gọi người dân cùng tham gia phòng, chống dịch.