KTĐT - HĐND TP Hà Nội vừa thông qua phương án mới nhất về quy hoạch phòng chống lũ trên địa bàn. Theo đó, thành phố dự kiến sẽ huy động tới 99.724 tỷ đồng và di dời hơn 21.000 hộ dân đang cư trú dọc các con sông lớn trên toàn thành phố để triển khai quy hoạch khổng lồ này.
Các con sông đang “co” lại
Trong hệ thống các tuyến sông có đê tại Hà Nội, đê sông Hồng được đánh giá là quan trọng bậc nhất đối với sự an toàn của thành phố. Số liệu điều tra mới nhất cho biết, tổng diện tích ngoài đê chính trên sông Hồng là 5.699ha, trong đó, vùng hữu Hồng là 2.537ha, vùng tả Hồng là 3.162ha. Diện tích dành cho chỉ giới thoát lũ tính toán dựa trên phương án phòng chống lũ là 5.729ha, trong đó vùng hữu Hồng là 1.499ha. Quan trọng hàng đầu song nạn lấn chiếm hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội hiện vẫn đang tiếp diễn rất phức tạp.
Số liệu điều tra của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, các phường Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (Tây Hồ), Phúc Xá (Hoàn Kiếm) hiện đang có số lượng hộ dân lấn chiếm đất bãi cao nhất. Bên tả sông Hồng cũng đang trong tình trạng bị lấn chiếm hàng ngày, nhiều nhất là đoạn các xã Võng La, Đại Mạch vì đất khu vực này khá đẹp, gần khu công nghiệp Thăng Long.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên sông Hồng cũng như nhiều tuyến sông khác của Hà Nội đã ở mức báo động. Các khu dân cư ngày càng lấn ra phía lòng sông và bãi sông được tôn tạo cao hơn.
Dân cư vùng bãi trở nên đông đúc và bùng phát việc xây dựng nhà cửa, đổ đất lấn chiếm làm co hẹp lòng sông... Để xử lý triệt để các vi phạm cũ, ngăn chặn phát sinh vi phạm mới cũng như kết hợp hài hòa giữa phòng, chống lũ và phát triển kinh tế, rõ ràng, Hà Nội đang rất cần bản quy hoạch phòng, chống lũ cho từng tuyến sông có đê trên toàn thành phố.
Di dời 21.063 hộ dân
Theo UBND TP Hà Nội, quy hoạch phòng, chống lũ của thành phố phân chia Thủ đô thành 8 vùng bảo vệ: vùng hữu Hồng; vùng hữu Hồng - hữu Đáy - tả Tích; hữu Hồng - tả Đáy; tả Hồng - hữu Đuống; tả Hồng - tả Đuống - hữu Cà Lồ; hữu Cầu - tả Cà Lồ; hữu Tích - hữu Bùi và hữu Đáy, tả và hữu Mỹ Hà. Quy hoạch cũng sẽ chỉ rõ từng tuyến chỉ giới thoát lũ, theo đó, tất cả những hộ dân, công trình nằm từ chỉ giới thoát lũ trở ra phía mép bờ sông đều thuộc diện giải tỏa.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trịnh Duy Hùng cho biết, quy hoạch phòng, chống lũ cho tất cả các tuyến sông của thành phố sẽ có tổng số vốn cần huy động lên tới 99.724 tỷ đồng. Đại dự án này sẽ được triển khai thành 2 giai đoạn (từ 2010-2015 và 2016-2020). Số vốn khổng lồ này sẽ được chi cho việc nạo vét, cải tạo các con sông cũng như nâng cấp, tu bổ, xây mới đê... Tuy nhiên, chi phí lớn nhất chính là dành cho đền bù, di dân, GPMB, lên tới 71.438 tỷ đồng, chiếm hơn 71% tổng vốn đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, ông Trịnh Duy Hùng, nguồn vốn sẽ được bố trí từ vốn ngân sách, huy động từ các nguồn như ODA, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)... Đặc biệt, số hộ dân phải di dời khi triển khai dự án cũng khá lớn, khoảng 21.063 hộ dân. Trong đó, phần lớn có liên quan tới tuyến sông Hồng (hơn 14.618 hộ).
Đây là vấn đề gây tranh cãi trong quá trình lập quy hoạch. Ban đầu, riêng tuyến sông Hồng dự kiến có tới 26.120 hộ dân nằm trong diện di dời. Tuy nhiên, con số này được đánh giá là quá lớn, không chỉ gây xáo trộn về mặt xã hội mà còn tạo sức ép rất lớn về tái định cư, GPMB. Rốt cục, sau nhiều lần chỉnh sửa, chốt lại, sẽ có 14.618 hộ dân nằm trong chỉ giới phải di dời để đảm bảo khả năng thoát lũ cho Hà Nội. “Con số 14.618 là kết quả của một loạt phép tính chặt chẽ nhất nhằm hạn chế tối đa số lượng dân phải di dời” - đại diện Viện Quy hoạch thủy lợi khẳng định.
Ghi nhận đây là dự án đặc biệt quan trọng với Hà Nội, HĐND TP cho rằng, việc cắm mốc chỉ giới thoát lũ trên thực địa phải được tiến hành sớm. Cùng với đó, phải công khai, tuyên truyền bản quy hoạch tới toàn dân. HĐND TP cũng yêu cầu, trước mắt, năm 2010, thành phố sẽ thí điểm thực hiện quy hoạch trên một đoạn sông, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm tổ chức triển khai trên toàn địa bàn. Đồng thời, tổ chức công tác GPMB, tái định cư khi di chuyển các hộ dân trong vùng thoát lũ theo đúng quy định, không gây xáo trộn lớn về mặt xã hội.