Trước đó, cũng ở Hà Nội, từng có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng tưởng sốt virus thông thường, không đi khám, khi đến Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư thì tình trạng quá nặng, suy đa tạng, dù bác sĩ nỗ lực cấp cứu, vẫn không qua khỏi.
Hay tại TP Hồ Chí Minh, có bệnh nhân 37 tuổi, sốt cao nhiều ngày nhưng không đi khám, khi đến bệnh viện thì đã bị mất tri giác, xuất huyết não, tử vong sau 48 giờ nhập viện. Các chuyên gia y tế thường xuyên cảnh báo, báo chí liên tục tuyên truyền, nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan trong phòng và điều trị sốt xuất huyết, xảy ra những câu chuyện đau lòng.
Ngay khi tuần qua, Hà Nội vừa cảnh báo chuyện bệnh nhân tử vong do sốc khi truyền dịch tại nhà, thì tại nhiều khu chung cư, người bệnh hễ bị sốt, chán ăn, mệt mỏi vẫn liều mời y tá, dược sĩ đến truyền dịch tại nhà. Một bác sĩ cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều bệnh nhân ông từng cấp cứu kể, họ hễ bị sốt, thể trạng yếu, gầy, mùa Hè mệt mỏi, chán ăn đều thích truyền dịch. Khi dịch vụ sẵn có, người dân thiếu hiểu biết, thậm chí nhiều người có kiến thức, nhưng vẫn chủ quan, phớt lờ cảnh báo. Khi bị sốc, vào bệnh viện cấp cứu thì đã quá muộn.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hàng chục nghìn người mắc sốt xuất huyết, riêng Hà Nội đã có gần 1.500 ca mắc. Điều đáng lo, giữa lúc dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi, ý thức người dân trong việc vệ sinh môi trường vẫn còn rất thấp. Qua kiểm tra của ngành y tế, nhiều nhà dân vẫn vô tư để lọ hoa nhiều ngày không thay nước, lu nước sinh hoạt của gia đình đầy bọ gậy, các vật dụng chứa nước đọng vẫn tràn ngập khắp nơi... Ai cũng hiểu và nói vanh vách rằng "không lăng quăng, bọ gậy thì không có sốt xuất huyết", nhưng thực tế, nói và làm lại là hai việc khác nhau.
Hiện nay, thời tiết nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi gia tăng bệnh sốt xuất huyết. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức độ lây lan cao và có những biến chứng nguy hiểm, dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ.
Ngành y tế cùng các địa phương đang quyết liệt với phương châm chống dịch như chống giặc, không để dịch chồng dịch. Nhưng chỉ sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương là chưa đủ. Chống dịch cần có sự phối hợp của mỗi người dân và cả cộng đồng nhằm loại trừ lăng quăng, bọ gậy, khi mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế. Những việc tưởng rất dễ này, mà nhiều nơi, nhiều lúc lại khó vô cùng. Khó hay dễ đều phụ thuộc ý thức của mỗi người.