Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, tình hình thời tiết thủy văn năm 2020 có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, hiện tượng ENSO tiếp tục ngang về pha nóng, nhiệt độ trên toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và tình hình thời tiết có phần cực đoan hơn.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ứng phó kịp thời với thiên tai, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Về cơ bản, 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức xây dựng lực lượng xung kích PCTT cơ sở với sự tham gia của 64.948 người.
Cùng với đó đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết để ứng phó với mọi tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT&TKCN.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thừa nhận, thời gian qua, việc vi phạm hành lang đê điều vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Do đó, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện bảo vệ đê điều, xử lý nghiêm các vi phạm; xem xét trách nhiệm của người phụ trách công tác PCTT và người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự còn được nghe chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương về công tác PCTT&TKCN; kinh nghiệm về công tác phối hợp và hiệu quả thực thi pháp luật trong công tác ngăn chặn và xử lý vi phạm luật đê điều; kinh nghiệm trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đánh giá, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã nghiêm túc thực hiện công tác PCTT, quản lý đê điều; chủ động tuyên truyền, phòng ngừa, xử lý; cưỡng chế các vi phạm đê điều… do đó đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra.
Tuy nhiên, công tác PCTT&TKCN vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: Thiếu các trang thiết bị quan trắc, cảnh báo; cán bộ hầu hết kiêm nhiệm, nhiều cán bộ chưa có kinh nghiệm thực tiễn...
Để công tác PCTT&TKCN năm 2020 đạt hiệu quả cao nhất, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu các địa phương phải chủ động trong công tác PCTT&TKCN, không được chủ quan trong nhận thức bởi nếu thiên tai xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Yêu cầu các cấp ủy thực hiện nghiêm Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong đó, cần chú trọng đến việc phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu với phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức tập huấn, diễn tập để chủ động khi có tình huống thật; nâng cao năng lực dự báo tình hình; nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước, thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ để ứng phó thiên tai; có biện pháp cụ thể để ứng phó với từng loại thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại thiên tai.
Đối với Đài phát thanh xã phường, thị trấn phải liên tục phát tình hình bão, lũ, tăng cường tin bài, thời lượng phát sóng để tuyên truyền cho nhân dân cùng tham gia vào việc PCTT. Đối với các trường hợp còn vi phạm Luật Đê điều, UBND cấp xã phải lên danh sách, tiến hành vận động các tổ chức, cá nhân khắc phục sai phạm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.