Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng khám 0 đồng của các lão bác sĩ

Bài, ảnh: Vũ Phúc
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - 25 năm nay, vào mỗi sáng thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, 4 bác sĩ (BS), y tá già lại cùng nhau đến phòng khám từ thiện của mình tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát (nằm trên ngõ 119 đường Giáp Bát, Hà Nội) để khám chữa bệnh (KCB) miễn phí cho mọi người.

Từ ngày đầu thành lập, người phụ trách chính của phòng khám từ thiện là BS Trương Thị Hội Tố và BS Nguyễn Duy Đức. Hai trợ tá đắc lực là y tá Lê Thị Sóc và y tá Đỗ Thị Sáu làm nhiệm vụ phân loại thuốc, cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Nguồn thuốc tại phòng khám được các BS trực tiếp đi xin từ các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm và các mạnh thường quân. Mỗi loại thuốc được chuyển về, các BS, y tá đều tự tay phân loại, ghi chú, sàng lọc cẩn thận.

Hoạt động khám chữa bệnh tại phòng khám 0 đồng.

BS Trương Thị Hội Tố - nguyên là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định, nghỉ hưu chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng gia đình. Thời điểm còn công tác, BS Tố được nhiều người biết đến là người có tấm lòng y đức, nên nghỉ hưu, bà vẫn luôn nhận được lời mời cộng tác với mức lương hấp dẫn từ các phòng khám, nhưng bà từ chối. Bà dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp, xây dựng phong trào ở Hội Chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng. Bà lặng lẽ đạp xe hàng chục cây số đến với các vùng ngoại thành thực hiện việc KCB lưu động miễn phí cho những người nghèo, người cao tuổi, cựu chiến binh, gia đình chính sách, gia đình neo đơn, quả phụ… Những lần đến gần với các bệnh nhân, bà cảm nhận nỗi nhọc nhằn của những người khó khăn khi mắc phải bệnh tật, bà ước ao sẽ có một phòng khám từ thiện riêng với đầy đủ trang thiết bị, để là địa chỉ tin cậy cho các bệnh nhân nghèo tìm đến chữa bệnh.

Nghĩ rồi làm. Bà đi khắp nơi thuyết phục, vận động các cán bộ y tế, BS về hưu để chung tay xây dựng phòng khám từ thiện. Sau đó, bà gặp được y tá Lê Thị Sóc đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn. Chị em tâm đầu ý hợp, y tá Sóc đã nhận lời cùng BS Tố xây dựng phòng khám.

Biết bao lần đổi dời, giờ đây các BS, y tá mới có một phòng khám khang trang làm nơi tiếp đón bệnh nhân. Những lớp thế hệ BS, y tá cùng nhau làm nên “ngôi nhà chung” ngày ấy, bây giờ người còn, người mất, chỉ còn lại BS Tố và y tá Sóc. Do cơ sở vật chất thiếu thốn, BS tuổi cao nên hầu hết công việc KCB thường chỉ tập trung vào việc đơn giản như đo huyết áp, xét nghiệm tiểu đường, đau đầu, đau răng, đau dạ dày. Gặp những ca khó, đòi hỏi phải điều trị lâu dài, BS lại đưa ra những lời khuyên tận tình cho bệnh nhân hoặc tìm cách liên hệ với các bệnh viện, cơ sở y tế có uy tín để nhờ giúp đỡ.

Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động của phòng khám, các BS đã tự đóng góp, kêu gọi con cháu trong gia đình ủng hộ và nhờ các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Gọi là của ít lòng nhiều, được chút nào hay chút đó, thực ra cũng chẳng thấm vào đâu so với số bệnh nhân tìm đến chữa trị. Đôi khi không đủ, BS Tố hàng tháng vẫn phải trích từ lương hưu của mình để ủng hộ. Nhà ở xa phòng khám, nhưng mỗi tuần 2 lần, bất kể trời mưa gió, nắng nóng, bà đều đến phòng khám đúng giờ. Với bà, càng KCB cho mọi người càng thấy mình khỏe ra. Đó là lý do mà rất nhiều năm, bà vẫn không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc giữa chừng. Luôn là những ngày tất bật, hối hả vì sức khỏe người bệnh.

Nhìn những hành động, cử chỉ, nụ cười thân thiện của các BS tuổi gần 90 dành cho mỗi bệnh nhân, tôi mới thực sự cảm nhận hết tấm lòng y đức cao cả. Ở phòng khám này, 25 năm qua, các BS tóc bạc trắng, không nói nhiều về những việc mình làm, họ đang gạn chắt chút sức lực còn lại trở thành điểm tựa tinh thần cho từng bệnh nhân, gia đình bệnh nhân… mỗi khi tìm đến.