Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa bệnh tăng huyết áp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để nhận biết mình có mắc bệnh tăng huyết áp (THA) hay không, theo GSTS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, có thể đưa ra hai tình huống, một là, bệnh nhân cảm thấy khó chịu, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, đánh trống ngực, gắng sức, chóng mệt, có khi chảy máu cam và đo huyết áp thấy cao.

 Thứ hai, người bệnh không cảm thấy gì, vẫn cho mình là người bình thường nhưng khi đo huyết áp tình cờ phát hiện huyết áp cao. Vậy nên, đối với người trung niên và cao tuổi nên đo huyết áp thường kỳ, một tháng, ba tháng hoặc sáu tháng một lần để có thể phát hiện sớm bệnh, kể cả khi không có triệu chứng. 

Khi bị THA, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán nguyên nhân và bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc điều trị phù hợp, không nên tự mua thuốc huyết áp về uống. Mỗi bệnh nhân khi uống thuốc huyết áp cần được theo dõi huyết áp nhiều lần trong ngày, khi đo huyết áp cần đo sau khi đã được nghỉ ngơi ít nhất 30 phút, không uống rượu bia, hút thuốc lá, thuốc lào trước khi đo huyết áp và ghi lại con số huyết áp vào sổ y bạ để báo cáo lại cho bác sĩ. Người bệnh cần biết rằng, các lần đo huyết áp sẽ không nhất thiết phải giống nhau, tùy thuộc vào bệnh nhân uống thuốc huyết áp cách đó mấy giờ, có tác động về yếu tố tinh thần, thời tiết và môi trường hay không…

Phòng ngừa bệnh tăng huyết áp - Ảnh 1

Đề cập đến một vấn đề mà nhiều người bệnh THA quan tâm là "chuyện ấy" với người bị THA thế nào là hợp lý, có nên kiêng kỵ hay không? GS Phạm Gia Khải cho rằng: Trong thực tế, nếu người bệnh có thể leo thang gác với tốc độ trung bình ít nhất là 2 dãy cầu thang mà không thấy mệt thì có thể quan hệ tình dục được. Tuy nhiên, khi mới bị cơn đau thắt ngực hoặc mới nong động mạch vành thì nên nghỉ ít nhất 4 tuần mới được quan hệ. Người bệnh đặc biệt lưu ý, nếu dùng thuốc giãn mạch vành thì không được dùng viagra (ức chế PDE 5) vì có nguy cơ máu không vào động mạch vành và có thể gây tử vong.

Khi người bệnh bị tai biến mạch máu não (đột quỵ), phải xử lý thế nào? GS Khải khuyến cáo, việc đầu tiên là cho người đó nằm ở tư thế đầu nghiêng sang một bên để tránh hiện tượng hít phải những chất trào ngược từ dạ dày hoặc đờm rãi xuất tiết gây tắc đường thở. Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu, sử dụng xe cứu thương hoặc ôtô, cáng khi vận chuyển, tránh cho ngồi trên xe máy, xe đạp... Tránh những việc như cạo gió, đánh cảm vì việc đó có thể làm mất thời gian cần thiết và có thể gây giãn mạch làm nặng thêm tình trạng thiếu máu não.