Cùng với đó, nắng nóng làm cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém cộng với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa phòng điều hòa và ngoài trời khiến số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng. Giữ gìn vệ sinh thân thể, dùng quạt, điều hòa đúng cách và một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ tránh xa được các căn bệnh này.
Mắc bệnh do bố mẹ chủ quan
Mới đầu mùa Hè nhưng số trẻ đến khám tại Khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi T.Ư đã có phần tăng lên. Hầu hết trẻ đến khám đều có các dấu hiệu ho, sốt và sổ mũi. Chị Đặng Ngọc T. (Gia Lâm, Hà Nội) có 2 con nhỏ 3 tuổi và 5 tuổi thì cả hai bé đều bị sốt, ho kéo dài gần một tuần nay. Được biết, do sợ các con nóng lại nổi rôm sẩy nên khi ngủ, chị T. sử dụng cả điều hòa và quạt để làm mát không khí. Do chủ quan không để ý nên nhiệt độ trong phòng và ngoài trời chênh lệch lớn, chính điều này khiến cả hai bé bị cảm lạnh, nhưng may là không bị viêm phổi. Hay như trường hợp của anh Dương Bảo D. (Nam Từ Liêm, Hà Nội), trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, bé trai 3 tuổi nhà anh đã có dấu hiệu ho khan, sốt nhẹ nhưng thấy bé vẫn chơi đùa nên gia đình vẫn cho tham gia chuyến du lịch Sa Pa. Tuy nhiên, do thời tiết trên Sa Pa lạnh về đêm, sức đề kháng lại kém, sẵn bệnh trong người nên sau chuyến đi đến nay, bé đã phải nhập viện vì viêm phổi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn Nhi, trường Đại học Y Hà Nội, cứ 10 trẻ mắc các bệnh mùa Hè thì có tới 7 trẻ mắc bệnh về đường hô hấp. Nguyên nhân hàng đầu là do nhiễm virus cúm, virus hợp bào hô hấp... Mặt khác, nhiều trường hợp do bố mẹ chủ quan khi thấy con hơi ho, sốt, ăn uống bình thường đã tự mua kháng sinh về điều trị. Tuy nhiên, do điều trị không đúng cách đã khiến bệnh diễn biến nặng hơn.
Vệ sinh mũi, họng hàng ngày
Theo TS Thúy, điều quan trọng nhất để phòng các bệnh đường hô hấp đối với trẻ là cần tiêm vaccine đầy đủ, trong đó có vaccine chống cảm cúm tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên hay vaccine chống các bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ. Vấn đề thứ hai là dinh dưỡng, đứa trẻ khỏe mạnh sẽ có sức đề kháng tốt, sớm vượt qua được bệnh tật. Vì vậy, trong thời gian này cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ 5 nhóm thực phẩm là rau, củ, quả, tinh bột, đạm, dầu, gia vị, tuyệt đối không cho trẻ ăn thực phẩm lạnh. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi nên cho bú mẹ hoàn toàn để tăng cường sức đề kháng. Thứ ba, không nên đưa trẻ đến những nơi tập trung đông người, những nơi chật hẹp, vì đó là nơi có nhiều nguồn vi khuẩn, trẻ càng dễ nhiễm khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, phụ huynh nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ, bởi đây là cửa ngõ để vi khuẩn vào cơ thể.
Ngoài ra, ở trẻ nhỏ khả năng chịu nhiệt độ rất khác so với người lớn. Ở trẻ nhỏ, điều hòa nhiệt ở não chưa phát triển, do vậy khi nóng, trẻ sẽ thấy rất nóng, còn khi lạnh lại thấy rất lạnh. Vì vậy, nên giữ trẻ ở nhiệt độ phù hợp. Khi trẻ nóng, nên bật điều hòa để làm mát. Tuy nhiên, cần lưu ý không cho trẻ ngồi thẳng quạt gió. Nếu có thể, phụ huynh nên lắp thêm nhiệt kế trong phòng để đảm bảo nhiệt độ thật trong phòng phù hợp, không chủ quan dựa vào nhiệt độ báo trong điều khiển điều hòa. Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ điều hòa “lý tưởng” cho trẻ ở trong phòng vào mùa Hè là 28oC. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý vệ sinh người cho trẻ thông thoáng, tránh để trẻ ra mồ hôi quá nhiều làm ẩm ướt quần áo, nhiễm lạnh vào cơ thể.
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Hải Linh
|