Con số trên đã được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra trong một báo cáo tình trạng Chuyển giao doanh nghiệp nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Theo Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, từ năm 2013 đến nay có khoảng 234 doanh nghiêp Nhà nước có thỏa thuận chuyển giao vốn về SCIC, tuy nhiên, tới hiện tại mới chỉ có khoảng 61 doanh nghiệp đã thỏa thuận được, còn hơn 173 doanh nghiệp vẫn chưa thống nhất được.
Đối với doanh nghiệp trực thuộc các Bộ, ban ngành trung ương thuộc dạng này lên tới 32 đơn vị. Trong đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có 10 doanh nghiệp, kế đến là Bộ Công Thương với 8 doanh nghiệp, Bộ Giao thông - Vận tải với 5 doanh nghiệp Bộ NN&PTNT với 5 doanh nghiệp và Bộ Y tế với 4 doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho biết thêm, sở dĩ có tình trạng này là do nhiều địa phương, bộ ngành muốn giữ lại doanh nghiệp để quản lý hoặc tiến hành bán vốn, hoặc chỉ chuyển giao những doanh nghiệp yếu kém cho SCIC. Trong khi đó, SCIC lại không muốn tiếp nhận những doanh nghiệp khó khăn.
Ngoài ra, chế tài xử lý các cơ quan tổ chức có trách nhiệm chuyển giao, nghị định đã có, nhưng số lượng doanh nghiệp chưa chuyển giao thì cũng chưa rõ trách nhiệm và xử lý, Phó Viện trưởng CIEM phân tích.
Theo thông tin từ phía SCIC, luỹ kế đến hết tháng 12/2016, cơ quan này đã tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại hơn 1.000 doanh nghiệp, tổng vốn hoá là 9.900 tỷ đồng (theo giá thị trường là hơn 15.000 tỷ đồng), bằng 1% tổng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó hơn 80% doanh nghiệp nhỏ, hoạt động kém hiệu quả.
Được biết, thời gian qua, dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng nhiều bộ, ban ngành và địa phương triển khai việc chuyển vốn về SCIC rất chậm. Nhiều Bộ, ban ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp cho SCIC. Một số bộ, địa phương trì hoãn việc chuyển giao hoặc chỉ chuyển giao một số ít doanh nghiệp trên tổng số doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao.