Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phú Cường thấp thỏm trước mùa mưa bão

Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ đến mùa mưa bão, nhiều hộ dân xã Phú Cường, huyện Ba Vì lại thấp thỏm, bất an trước tình trạng sạt lở đất.

 Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, thôn Phú Thịnh, Phú Cường lo lắng trước tình trạng sụt lún khu đất vườn của gia đình. Ảnh: Nguyễn Nga
Theo chân các cán bộ xã Phú Cường đi kiểm tra tình trạng sụt lún đất tại khu 3, thôn Phú Thịnh, xã Phú Cường, chúng tôi ghi nhận, ở khu vực này có 7 hộ dân sinh sống, mỗi hộ có diện tích vườn khoảng hơn 1.000m2. Tại mỗi khu vườn của cả 7 hộ đều xuất hiện các hố sụt lún sâu từ 2 – 5m, chiều rộng kéo dài cả chục mét, nhiều cây trồng lâu năm của các gia đình cũng bị đổ nghiêng ngả khiến người dân không yên tâm canh tác và luôn sống trong lo sợ mỗi khi mùa mưa bão về.
Đứng trước mảnh vườn xuất hiện nhiều hố sụt lún mới, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, thôn Phú Thịnh lo lắng: “Năm trước, mưa nhiều, nước dâng đánh bay cả 2 bụi tre của gia đình. Nếu tình trạng này kéo dài, chỉ vài năm nữa mảnh vườn và tài sản của gia đình tôi cũng bị cuốn trôi theo dòng nước”.

Cũng giống tình trạng nhà bà Nguyệt, vườn nhà ông Nguyễn Văn Tường cũng xuất hiện nhiều hố sụt lún. Ông Tường cho biết, do là đất bãi nên cứ mùa mưa bão là mảnh vườn lại bị sạt lở. Vì vậy gia đình ông không yên tâm canh tác cây trồng lâu năm hay xây dựng công trình kiên cố trên mảnh đất này. Không chỉ riêng 7 hộ dân ở thôn Phú Thịnh, hiện nay một số hộ dân ở thôn Thanh Chiểu cũng xuất hiện tình trạng sụt lún, đe dọa tới đời sống và sản xuất của họ.

Ông Nguyễn Khắc Thiện, cán bộ phụ trách đê điều xã Phú Thịnh cho biết, kè Phú Cường được xây dựng từ năm 1980 bằng hình thức kè mỏ hàn, rồng đá hộ chân và lát đá hộc xếp khan. Thời gian trước, chân kè Phú Cường đã được cát bồi thành bãi, rộng từ 100 - 400m, có độ cao trình từ +7,5m đến +10,5m. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 tới nay, do ảnh hưởng của việc điều tiết nước từ hồ Hòa Bình làm biến đổi dòng chảy sông Hồng khiến bãi cát bồi trước kè bị cuốn trôi và tạo thành vách đứng. Hiện nay, độ chênh từ mặt bãi tới mặt nước là từ 2 - 3m. Đặc biệt, dòng chảy xiết khoét sâu chân kè làm cho phần rồng đá hộ chân bị xô sụt, lở chân kè. Trên mái kè xuất hiện nhiều vết nứt, một số đoạn mái kè đã bị sạt lún gây mất an toàn công trình. Hiện nay, trên đỉnh kè có hàng chục hộ dân đang sinh sống.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND xã Phú Cường Lã Văn Loan cho biết: Xã đã báo cáo với UBND huyện về tình trạng sụt lún, đồng thời có phương án di dời các hộ dân khi xảy ra các sự cố sụt lún nghiêm trọng và cắm biển cảnh báo để người dân biết. “Tuy nhiên, về lâu dài rất mong các cấp có biện pháp xử lý cải tạo kè Phú Cường để bảo vệ tài sản và ổn định đời sống của người dân nơi đây” – ông Loan kiến nghị.