Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ huynh kích hoạt các phương án sau khi biết điểm chuẩn lớp 10 của con

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn các trường THPT công lập, nhiều phụ huynh thở phào nhẹ nhõm vì con trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1) vào trường đúng mong muốn thì không ít phụ huynh phải đôn đáo xuôi ngược để tìm trường học phù hợp cho con.

Đưa con từ nội thành về ngoại thành học trường công

Trước khi đặt bút đăng ký NV lớp 10 cho con, chị Phạm Thu Trà, quận Hà Đông đã nâng lên đặt xuống các NV. Nhà thuộc KVTS số 10, chị chọn NV1 là trường THPT Quang Trung – Hà Đông, NV2 là trường Trần Hưng Đạo – Hà Đông và NV3 là trường THPT Xuân Mai – Chương Mỹ.

“Tôi hy vọng con đỗ NV1, NV2 để học gần nhà; nhưng vẫn đăng ký NV3 để dự phòng. Sau khi biết điểm chuẩn, con trượt 2 NV đầu và đỗ NV3 tại Xuân Mai. Từ nhà vào trường gần 20km. Tôi sẽ cho con đi xe bus đi học”, chị Trà nói.

Thí sinh ngoại thành tham dự kỳ thi.
Thí sinh ngoại thành tham dự kỳ thi.

Chọn phương án an toàn tại một trường THPT xa trung tâm là cách tính toán được nhiều phụ huynh chọn lựa. Một trong số đó - anh Nguyễn Văn Vinh, quê Ứng Hòa cho hay, anh chọn NV3 cho con là trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa.

Theo anh Vinh, con anh học THCS ở khu vực Nam Từ Liêm. Sức học của con không tốt nên gia đình quyết định đăng ký NV3 cho con ở quê nội. Ban đầu vợ chồng anh nghĩ đây chỉ là phương án dự phòng vì con quen với bạn bè, môi trường nội thành nhưng rốt cuộc, phương án dự phòng đã trở thành phương án chính vì con trượt NV1 và NV2.

“Cho con về quê học với quãng đường 40 -50 km nên gia đình phải tính toán rất nhiều. Con đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nếu không quan tâm, quản lý chặt, rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề. Sau nhiều cân nhắc, vợ chồng tôi quyết định chuyển hẳn về quê sống để con đi học gần, chấp nhận việc bố mẹ đi làm xa”, anh Vinh nói.

Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, việc học sinh nội thành về ngoại thành học trường THPT công lập không phải là chuyện lạ. Có 2 trường hợp xảy ra: một là học sinh đăng ký NV3 trường ngoại thành; vì trượt các NV 1, 2 nên học NV3. Hai là, với trường tuyển sinh “tràn tuyến”, học sinh trượt hết 3 NV và được gia đình sắp xếp, bố trí cho đi học xa. Ở hai trường hợp này, cả học sinh và phụ huynh đều vất vả vì lo phương án ăn, học, ở, phương tiện và cách thức di chuyển. Thời gian học THPT của học sinh kéo dài 3 năm học, đòi hỏi các gia đình phải có kế hoạch và sự tính toán dài hơi.

Chọn hệ thống trường ngoài công lập và trường nghề

Ngoài hệ thống hơn 100 trường công lập, Hà Nội có hơn 100 trường ngoài công lập, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và trên 50 trường nghề có đào tạo văn hóa. Là đô thị đặc biệt có tốc độ tăng dân số cơ học cao và luôn đối mặt với tình trạng thiếu trường lớp, nhất là trường công lập nhưng Hà Nội nỗ lực đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh sau tốt nghiệp THCS nếu có nhu cầu học tiếp.

Tương tự năm học trước, năm học 2024 – 2025, Hà Nội tuyển khoảng 61% học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào các trường THPT công lập. Số còn lại sẽ theo học các loại hình trường ngoài công lập và trường nghề. Đáng lưu ý, việc tìm hiểu các loại hình trường được phụ huynh chủ động trên mục tiêu đặt ra.

Phụ huynh đến đăng ký tuyển sinh tại trường THPT Hà Đông.
Phụ huynh đến đăng ký tuyển sinh tại trường THPT Hà Đông.

Học sinh Nguyễn Hoài Nam, trú tại quận Thanh Xuân có điểm xét tuyển lớp 10 là 38. Em đủ điểm đỗ NV2 vào một trường THPT công lập có tiếng tại Hà Đông nhưng gia đình em quyết định ghi danh cho con vào trường THPT Hà Đông – một trường thuộc hệ thống ngoài công lập.

“Tôi ưu tiên trường gần nhà, thuận đi lại, cơ sở vật chất khang trang, học phí phù hợp. Trường THPT Hà Đông cách nhà tôi khoảng 3km, đang được xây sửa toàn bộ, mức học phí hợp lý với chương trình học chất lượng cao. Học tại đây, con được kiểm tra sức khỏe, được bồi dưỡng kiến thức và không cần đi học thêm. Tôi rất ấn tượng về điều này nên quyết định nhập học cho con”, phụ huynh học sinh Hoài Nam chia sẻ.

Biết con không đỗ NV1, chị Hoàng Hà Minh, trú tại quận Hoàng Mai cho con học trường tư. “Phương án này được gia đình tính toán từ đầu. Tôi thấy trường công hay trường tư đều tốt và trường nào phù hợp là tôi chọn. Tôi và con đã thống nhất, không đỗ NV1 công lập thì học trường tư. Và đến 5/7, tôi sẽ chính thức nhập học trường tư cho con, mặc dù con có điểm xét tuyển gần 41 điểm”.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và trường nghề cũng là loại hình trường được khá đông phụ huynh, học sinh tìm hiểu và chọn lựa. Với đặc thù là chỉ xét học bạ THCS nhưng vì có mục đích rõ ràng ngay từ đầu như muốn đi làm sớm, muốn rút ngắn thời gian học…., nhiều phụ huynh có con đang theo học hệ thống trường này cho biết, đây là một lựa chọn tốt; mở ra cách nhìn mới và lối hành động mới cùng tương lai rộng mở và phụ hợp với con.

Hà Nội có nhiều loại hình lớp học, trường học; phục vụ nhu cầu của đa dạng phụ huynh, học sinh. Khi dân số cơ học được dự báo tiếp tục tăng nhanh, trường công lập vẫn còn thiếu thì sự tính toán của phụ huynh về việc cho con từ nội thành về ngoại thành học trường công lập hoặc chuyển sang học trường tư, trường nghề phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình là điều rất được khuyến khích.