Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ nữ chịu nhiều tác động trong kỷ nguyên số

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/7, tại Diễn đàn đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập do Bộ LĐTB&XH tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức đối với phụ nữ trong công việc cũng như cơ hội phát triển sự nghiệp.

Ở mọi phương diện phụ nữ đều thấp hơn nam
Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách nhanh nhất trong 20 năm qua. Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động đạt trên 70%, phụ nữ làm chủ DN và chủ cơ sở đạt 31%. Các chỉ số phát triển giới, chỉ số khoảng cách giới và bất bình đẳng giới đều đạt mức trung bình cao.
 Nữ nhân viên làm việc trong một văn phòng ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo báo cáo Phát triển con người năm 2016, Việt Nam được xếp ở 1 trong 5 nhóm các quốc gia có tình trạng bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà nhận định, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn thấp. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam 10%. Lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi DN có nhu cầu giảm công nhân… Có tới 98% số DN do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp… Nữ chủ DN còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng quản trị DN, khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức. Ngoài ra phụ nữ còn gặp phải những vấn đề bạo lực gia đình, là nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.

Trao đổi về thách thức lớn nhất trong bình đẳng giới ở Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chỉ ra 5 vấn đề cản trở mà chúng ta đang phải gánh chịu. Ông Lợi đặc biệt nhấn mạnh đến việc, tỷ lệ lãnh đạo là phụ nữ ở địa phương cao, nhưng càng lên cao càng giảm; tỷ lệ phụ nữ là quản lý từ cấp phòng ban trở lên thấp. Ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục thì phụ nữ cũng không bằng nam giới. Hiện nay, Việt Nam đang mất cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh khi 112 bé nam/100 bé gái. Với tình hình này, sau 20 năm con trai Việt Nam có nguy cơ không lấy được vợ Việt Nam.

Kỷ nguyên số tạo cơ hội bình đẳng

Khi kỷ nguyên số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi các tiến bộ công nghệ, con người sẽ được giải phóng khỏi những công việc đòi hỏi nhiều sức lao động, nặng nhọc, việc giản đơn có tính lặp lại cũng như các công việc nội trợ. Tuy nhiên, nhiều người thể hiện sự lo lắng người lao động (NLĐ) sẽ bị robot lấy mất việc làm. Hiện nay, tại các khu công nghiệp, nhiều lao động nữ ở độ tuổi 35 đang có nguy cơ bị sa thải khi chủ DN nhập những dây chuyền tự động. Tuy nhiên, ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, sẽ không xảy ra ngay lập tức. Điều quan trọng là sửa đổi luật pháp một cách bài bản và trong Bộ luật Lao động sửa đổi quy định khả năng NLĐ được đào tạo suốt đời để tham gia vào công việc. Thể hiện rõ ở việc trong chính sách bảo hiểm xã hội có bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm giúp DN không sa thải NLĐ. Cùng với đó là hệ thống dạy nghề cung cấp kỹ năng, kiến thức mới để NLĐ không bị mất việc làm.

Với cách nhìn lạc quan, bà Trần Thị Lan Anh – Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, kỷ nguyên số mang đến không ít cơ hội, vấn đề là cần nâng cao năng lực cho NLĐ nói chung. Và, NLĐ phải nghĩ đến việc làm chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu của DN trong tương lai.

Nhiều ý kiến khác cho rằng cần phải hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật để thể hiện sự bình đẳng giới giúp phụ nữ không gặp thách thức trong kỷ nguyên số cũng như cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi phản hồi: Hiện nay về cơ bản trong Hiến pháp và các luật đều thể hiện bình đẳng giới. Nhưng việc chúng ta có đạt được hay không thì phải có chuyển biến về nhận thức đã ăn sâu vào tiềm thức đã trở thành nền tảng văn hóa. Và, quan trọng là việc triển khai thực hiện ở cơ sở”.