Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Phù phép" xe rác hỗ trợ công nhân môi trường

Nguyễn Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu giảm bớt vất vả cho những người công nhân quét rác, nhóm sinh viên gồm 4 bạn trẻ đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tìm tòi nghiên cứu và chế tạo thành công sản phẩm “Xe điện sử dụng công nghệ hỗ trợ lái định vị bằng la bàn”.

 Sản phẩm ''Xe điện sử dụng công nghệ hỗ trợ lái định vị bằng la bàn'' sau khi được hoàn thành. Ảnh: Nguyễn Huế.
Sản phẩm thân thiện môi trường
4 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội) đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng, tính toán thiết kế, chế tạo và thử nghiệm xe gom rác chạy bằng điện với mục tiêu giảm bớt nặng nhọc, cải thiện sức lao động cho người lao công.
Sinh viên Nguyễn Tiên Tiến chia sẻ: “Lượng rác thải sinh hoạt tăng lên hàng ngày, việc vận chuyển và thu gom rác vì thế ngày càng tăng. Xe thu gom rác đẩy tay có hạn chế là phải sử dụng hoàn toàn bằng sức người để di chuyển.
Khối lượng rác lớn, cộng thêm thời tiết nắng nóng gay gắt, nếu cứ phải dùng sức người đẩy thì thực sự rất vất vả. Hiểu được nỗi khổ của người lao công như vậy nên nhóm chúng tôi đã đưa ra ý tưởng chế tạo xe gom rác chạy bằng điện”.
Dự án được nhen nhóm từ tháng 7/2019. Sau đó là gần 1 năm lên kế hoạch, thiết kế ý tưởng, mày mò tìm tòi nghiên cứu. Trong quá trình bắt tay vào thực hiện nhóm đã giải quyết nhiều bài toán khó như làm sao để cải tiến cho xe nhưng không làm ảnh hưởng đến kích thước ban đầu, dùng động cơ thế nào để vừa an toàn vừa thân thiện với môi trường, lập trình sao cho xe đi theo đúng hướng định vị của la bàn, điều chỉnh tốc độ của xe sao cho hợp lí với tốc độ đi bộ của người sử dụng.
Bên cạnh đó, kinh phí để thực hiện ý tưởng cũng là điều khiến nhóm sinh viên trăn trở, vì vậy nhóm phải dùng đồ cũ.
 Xe thu gom rác chạy bằng điện giúp giảm tải sức lao động cho công nhân. Ảnh: Nguyễn Huế.
Niềm vui của công nhân quét rác
Những nỗ lực của nhóm sinh viên sau gần 1 năm bắt tay vào dự án đã cho ra sản phẩm “Xe điện sử dụng công nghệ hỗ trợ lái định vị bằng la bàn”. Sản phẩm sử dụng 2 động cơ xe điện cùng công suất, 2 bộ điều tốc, hệ thống đèn, còi, phanh, hệ thống hỗ trợ lái điều khiển tự động và bố trí lắp đặt cơ khí mà không thay đổi nhiều kết cấu của xe. Hệ thống hỗ trợ lái thực hiện lái tự động trong những cung đường rộng và ít phương tiện đi lại.
Nói thêm về tính ưu Việt của xe, sinh viên Nguyễn Tiên Tiến cho biết: Xe sử dụng một tay phanh nhưng ngừng được cả 2 động cơ, xe có thể tải được 400kg rác, có thể sử dụng trong vòng 6 - 8 tiếng liên tục. Nhóm đã thử nghiệm hiệu suất, thời gian làm việc và độ bền của xe. Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy xe làm việc ổn định và an toàn, cùng với đó là phản hồi tích cực từ người lao công khi sử dụng.
 Nhóm sinh viên thực hiện sản phẩm xe rác công nghệ. Ảnh: Nguyễn Huế.
Trải nghiệm sản phẩm của nhóm sinh viên, chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) gắn bó với nghề lao công 30 năm chia sẻ: “Tôi đã dùng thử và thấy khi vận hành không cần phải dùng sức đẩy, chỉ cần lái. Nếu sản phẩm được hoàn thiện, chúng tôi được sử dụng sẽ giúp giảm tải sức lao động, lại nâng cao năng suất làm việc vì hiện nay nghề lao công này cũng thiếu nhiều nhân lực”.
Sau khi hoàn thiện sản phẩm, nhóm sinh viên vẫn tiếp tục cải thiện, hoàn thiện hơn nữa các tính năng của sản phẩm. Bên cạnh đó, nhóm cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp để có thể phát triển và nhân rộng, để sản phẩm có thể đi vào thực tiễn, giảm bớt nỗi vất vả, cực nhọc của người lao công.
Sau gần 1 năm lên ý tưởng, mày mò nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của PGS. TS Nguyễn Thế Lương,nhóm sinh viên gồm 4 bạn trẻ trường ĐH Bách Khoa là Nguyễn Tiên Tiến (K60), Dương Anh Minh (K60), Lê Chí Tuyền (K64) và Trịnh Cao Dũng (K58) đến từ Viện Cơ khí Động lực và Viện Điện tử Viễn thông đã sáng tạo thành công ''Xe điện sử dụng công nghệ hỗ trợ lái định vị bằng la bàn''. Sản phẩm đã đạt giải Nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm học 2019 - 2020.