Đây cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam . Với ý nghĩa đó, nhiều gia đình người có công trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã được quan tâm tạo điều kiện về nhà ở.
Một quyết định nhân văn
Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là những hộ gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh (những đối tượng khác thuộc giai đoạn sau). Những hộ xây mới sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng, sửa chữa mái nhà, tường, nền nhà 20 triệu đồng. Đây là niềm vui lớn đối với các hộ dân thuộc diện người có công, hộ gia đình chính sách.
Lễ khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt |
Ông Lê Tiến Xuân - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phú Xuyên cho biết, huyện có trên 4.000 đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp. Thực hiện Quyết định 22, và các Quyết định số 1733 của UBND TP Hà Nội về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND huyện Phú Xuyên đã xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn. Theo thống kê, toàn huyện có 1.501 hộ được đề nghị hỗ trợ xây, sửa nhà. Trong đó có 559 hộ xây mới, 963 hộ sửa chữa. Năm 2014, TP và huyện đã hỗ trợ 100 hộ xây mới và sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng. Để đảm bảo tính khách quan, công bằng, trong quá trình thực hiện Quyết định 22 và các Quyết định, hướng dẫn của TP, UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo rà soát việc hỗ trợ cụ thể. Việc thẩm tra, bình xét được tiến hành nghiêm ngặt, đúng đối tượng, đúng thành phần. Quá trình triển khai thực hiện, từ huyện tới cơ sở đều thành lập Ban chỉ đạo, rà soát, chụp ảnh nhà cũ làm dữ liệu, tuyên truyền động viên các địa phương huy động các nguồn hỗ trợ khác từ đơn vị sự nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ, quỹ phúc lợi xã hội... để giúp người có công xây, sửa nhà ở. Bước đầu những công trình nhà ở hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp cho các hộ cải thiện đời sống.
Cần sự chung sức của cộng đồng
Tuy nhiên, qua thực tế ở một số địa phương, quá trình thực hiện Quyết định 22 cũng nảy sinh không ít khó khăn, bất cập. Bởi đến nay, không phải hộ nào xây xong, sửa xong nhà cũng nhận được tiền hỗ trợ ngay. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình người có công rất khó khăn về kinh tế, khả năng huy động kinh phí tự xây, sửa còn hạn chế, hoàn toàn trông chờ vào kinh phí hỗ trợ mới có thể triển khai. “Các ngành chức năng liên quan của huyện đã có những kiến nghị với TP để tìm giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân. Tránh để tình trạng đối tượng tự ý xây, sửa rồi yêu cầu các cấp phải hỗ trợ kinh phí. Hoặc cứ vay mượn xây, sửa trong khi kinh phí hỗ trợ chưa biết bao giờ mới được cấp” - ông Xuân thông tin.
Đối với các đối tượng nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ cũng nên cân nhắc. Theo đó, phải tùy thuộc khả năng hiện có của gia đình, không nên đầu tư quá sức, để mang gánh nặng về các khoản nợ khi vừa hoàn thiện nhà. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện theo Quyết định 22 chỉ là hỗ trợ, chứ không phải đầu tư toàn phần. Vì thế, để bảo đảm xây dựng được nhà ở kiên cố lâu dài, hộ người có công cần chủ động kinh phí để phục vụ việc tu sửa, làm mới nhà. Chính quyền cơ sở cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để có thêm kinh phí từ nguồn xã hội hóa giúp đỡ các gia đình người có công xây dựng, sửa chữa, tránh để nhà ở của các đối tượng này dột nát, xuống cấp.