Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phú Xuyên tập trung dập tắt ổ dịch sốt xuất huyết

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, toàn địa bàn huyện Phú Xuyên có tổng cộng 114 ca sốt xuất huyết phủ kín tại các xã, thị trấn. Do thời điểm hiện nay toàn huyện xuất hiện nhiều ca bệnh mới, vì vậy cả hệ thống chính trị huyện Phú Xuyên vào cuộc dập tắt các ổ dịch, đẩy lùi ca bệnh.

Công tác phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết luôn được huyện Phú Xuyên quan tâm thực hiện
Công tác phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết luôn được huyện Phú Xuyên quan tâm thực hiện

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Phú Xuyên đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, số ca mắc cao đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã. Tính từ đầu mùa dịch đến ngày 4/10, toàn huyện đã ghi nhận 1.099 ca mắc sốt xuất huyết phủ kín tại các xã, thị trấn; số ca mắc tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc có xu hướng tăng nhanh, hiện nay có 10 ổ dịch đang còn hoạt động, đã có 10 ổ dịch kết thúc xử lý. Một số xã ghi nhận số ca mắc cao như: Đại Thắng, Hoàng Long, Phượng Dực, Tri Trung, Hồng Minh… Đây là các địa bàn có nhiều ca mắc bệnh kéo dài cho đến nay.

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Bích Phượng, trước tình hình cấp bách của công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, UBND huyện đã đẩy mạnh việc tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh với mật độ 2 buổi/ngày, cộng với tuyên truyền lưu động…

Đồng thời, huyện quyết liệt chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các Đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Mặt khác, duy trì tổ chức tổng vệ sinh môi trường, lật úp phế thải để diệt bọ gậy, diệt muỗi vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.

Cán bộ y tế huyện Phú Xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại xã Hồng Minh.
Cán bộ y tế huyện Phú Xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại xã Hồng Minh.

UBND huyện giao Trung tâm Y tế phối hợp các xã, thị trấn tiến hành đánh giá điểm có nguy cơ cao để tiến hành phun hóa chất diệt muỗi. Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Lê Quý Đôn cho biết, Đại Thắng hiện còn 1 ổ dịch tại thôn An Mỹ với 8 ca bệnh mới và một số ca bệnh cũ chưa khỏi. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, toàn xã có 119 ca mắc tập trung ở thôn Văn Hội và An Mỹ.

Phía Trung tâm Y tế huyện phối hợp với UBND xã, trạm y tế tăng cường điều tra, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân biện pháp phòng, chống, dấu hiệu nhận biết mắc sốt xuất huyết, cách chăm sóc sức khỏe người bệnh điều trị tại nhà. Tăng cường hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát.

Tại các xã Đại Thắng, Phượng Dực, Tri Trung, Hồng Minh, Hoàng Long…những ngày này công tác phòng chống, xử lý các ổ dịch được chính quyền quan tâm sát sao hơn, bởi theo dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào.

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Bích Phượng, toàn huyện còn 114 ca bệnh mới ở các xã, thị trấn đang cách ly điều trị tại các bệnh viện và trạm y tế. Các ổ dịch đều đã được khoanh vùng, xử lý đúng quy định và có hiệu quả.

Việc cắt tỉa cỏ dại ở ven đường nhằm bảo vệ môi trường góp phần đầy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Phú Xuyên
Việc cắt tỉa cỏ dại ở ven đường nhằm bảo vệ môi trường góp phần đầy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Phú Xuyên

Song, thực tế vẫn tồn tại một số ổ dịch có số ca mắc cao đang có diễn biến phức tạp, kéo dài, chủ yếu do các yếu tố chủ quan. Nhiều hộ gia đình trong các ổ dịch có vườn rộng, nhiều loại phế thải, phế liệu chứa nước có bọ gậy hay bể nước mưa chứa bọ gậy mà chưa được phun khử hóa chất...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy khẳng định, UBND huyện tập trung xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để thực hiện phun hóa chất diện rộng. Nhanh chóng khống chế, hạn chế thấp nhất ca mắc. Kiên quyết xử lý đối với các hộ gia đình, cơ quan còn để tồn tại yếu tố nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết.

Cùng với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở cũng xác định công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu trong thời điểm hiện nay với phương châm dập tắt ổ dịch ngay khi mới phát hiện. Mặt khác, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong phòng ngừa, tránh để phát sinh ca bệnh.