Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phúc Thọ tạo điểm nhấn môi trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu tạo dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ đã dành hẳn một đề án triển khai nhiệm vụ này.

Dù thời gian thực hiện chưa lâu, song đã bước đầu tạo ra những điểm nhấn rõ rệt cải thiện về môi trường trên địa bàn.

Chuyển biến bước đầu

Cách đây vài năm, đi trên QL32 đoạn thuộc địa phận xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, hình ảnh thường thấy là các loại phế liệu như vỏ bao dứa, nilon phơi trắng xóa hai bên đường vừa gây mất mỹ quan vừa ảnh hưởng đến môi trường. Tuyến kênh Tây Ninh chảy qua xã cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng xuất phát từ nghề giặt vỏ bao dứa, túi nilon trên địa bàn xã Phụng Thượng. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này đã gần như được xử lý triệt để. Ông Dương Tiến Lộc – Bí thư cụm 7, xã Phụng Thượng cho biết, có được kết quả đó là nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đổi nghề, bỏ nghề giặt vỏ bao dứa sang nghề dệt thảm, may mặc hay dịch vụ, buôn bán nhỏ.
Điểm tập kết rác thải tập trung tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Điểm tập kết rác thải tập trung tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Theo UBND huyện Phúc Thọ, trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xả rác thải ở một số tuyến đường giao thông, kênh mương, nước thải sinh hoạt trong khu dân cư chưa được thu gom, xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Từ thực tế đó, tháng 9/2015, UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành Đề án số 16/ĐA-UBND về Tăng cường công tác VSMT ở khu dân cư và hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020.

Sau gần một năm triển khai, tình hình đảm bảo VSMT nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Văn Ngà – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phúc Thọ cho biết, qua kiểm tra việc triển khai Đề án 16, các địa phương đã thực hiện tương đối tốt từ thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch đến phát động phong trào VSMT vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải về điểm tập kết được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng tồn đọng. Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng được 44 điểm tập kết rác thải tập trung, hạn chế nạn xả rác bừa bãi.

Sức bật mới

Có thể nói, sau khi ra đời, Đề án 16 của huyện Phúc Thọ đã trở thành đòn bẩy quan trọng tạo nên những bước tiến mạnh mẽ về cải thiện môi trường nông thôn trên địa bàn. Trên thực tế, dù mới kết thúc giai đoạn thí điểm trên quy mô nhỏ, song công tác đảm bảo VSMT nông thôn ở nhiều xã, thị trấn thuộc huyện đã bắt đầu có sức lan tỏa. Đơn cử như tại xã Phương Độ, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2016, toàn xã có trên 500 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên và Nhân dân tham gia tổng VSMT, thu dọn rác thải ở các tuyến giao thông chính, khu dân cư. Hay tại xã Thượng Cốc đã xây dựng được 7 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và vận động các hộ chăn nuôi xây dựng được hơn 200 hầm biogas…

Theo lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Phúc Thọ, bắt đầu từ quý II/2016, huyện đã chỉ đạo sát sao việc chuyển đổi phương thức sản xuất, đưa các hộ chăn nuôi ra ngoài khu dân cư để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời triển khai cải tạo hệ thống cống rãnh thoát nước thải có nắp đậy gắn với hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo mỗi xã, thị trấn quy hoạch 1 – 2 điểm tập kết phế thải xây dựng, một nhiệm vụ rất mới ở khu vực nông thôn. Trước mắt, huyện Phúc Thọ dự kiến xây dựng một điểm chôn lấp phế thải xây dựng tập trung tại xã Thanh Đa.

Ông Hoàng Mạnh Phú – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm về VSMT, thu gom, vận chuyển rác thải, kinh doanh vật liệu xây dựng… Trong đó, UBND huyện sẽ thành lập các tổ kiểm tra việc thực hiện Đề án 16 định kỳ hàng tháng. Qua đó đánh giá, chấm điểm, chọn ra các thôn, cụm dân cư hay cá nhân làm tốt để từng bước nhân rộng ra toàn huyện.