Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2018: Tránh để giáo viên, học sinh hoang mang

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ GD&ĐT đưa 2 phương án cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 mới đây khiến học sinh (HS), phụ huynh và giáo viên không khỏi lo âu vì sẽ phải tiếp tục thay đổi trong dạy và học.

Chuyển bài tổ hợp sang tích hợp?

Về cơ bản, 2 phương án thi THPT quốc gia 2018 vẫn giữ ổn định như năm 2017, trong đó thí sinh sẽ thi 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Văn, tiếng Anh và 2 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Trừ môn Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Riêng đề thi tổ hợp, Bộ GD&ĐT có 2 phương án. Phương án 1, giữ nguyên như năm 2017 với 3 môn thi thành phần riêng (Kết thúc môn này, thí sinh thi tiếp môn sau). Sẽ có điểm thành phần từng môn và điểm tổng toàn bài để các trường tiếp tục xét tuyển như năm 2017. Phương án 2, chuyển hướng bài tổ hợp sang tích hợp đánh giá năng lực. Nghĩa là thay vì tách riêng 3 môn thi thành phần, Bộ sẽ trộn kiến thức các môn thành một đề hoàn chỉnh. Điểm sẽ được thống nhất toàn bài thi, không chia thành điểm thành phần. Với phương án 2, các trường khi xét tuyển sẽ phải thay đổi tổ hợp môn. Trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, trong đó bắt buộc có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn.

Thí sinh làm bài thi môn Toán tại kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Thanh Hải

Trước những dự kiến thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, rất nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng. Chị Nguyễn Thị Oanh ở ngõ Hòa Bình 6 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con năm nay học lớp 12 cho biết, cả nhà sốt ruột, không biết thay đổi theo hướng nào. “Ngay khi vào học cấp 3, gia đình tôi đã hướng cho con học theo khối A. Vì thế mạnh của cháu là Lý, Hóa, nếu thi tích hợp thì lại học thêm môn Sinh sẽ rất vất vả” – chị Oanh lo lắng. Theo chị Oanh, Bộ GD&ĐT nên có phương án sớm để HS có phương hướng học tập, không nên để HS hoang mang.

Đây cũng là mong mỏi của hầu hết HS khối 12 năm nay. Nguyễn Hà Chi - HS trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) cũng chung nỗi lo lắng với đa số phụ huynh: Em hy vọng Bộ GD&ĐT sớm chốt phương án thi, cung cấp tài liệu ôn tập để HS tập trung tinh thần học, việc dự kiến, thay đổi liên tục khiến HS thấp thỏm, không yên tâm học tập.

Cân nhắc kỹ trước khi thay đổi

Trao đổi xung quanh vấn đề này, Hiệu trưởng trường THPT Welsping Đặng Đình Đại cho biết, ông ủng hộ phương án 2. Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần, nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi. Nhưng trình tự thế nào? Ví dụ: Một bài thi gồm có 40 câu, bao nhiêu câu Hóa, Lý, Sinh phải nói rõ. “3 môn 1 bài thi sẽ không cồng kềnh. Tuy nhiên, cần phải rõ cấu trúc đề thi, đầu điểm, xét tuyển rõ ràng. Đổi mới là cần thiết, nhưng đổi mới theo hướng nào phải cân nhắc thật kỹ, tránh đổi mới liên tục, cơ sở không theo kịp sẽ khiến giáo viên, HS hoang mang” – ông Đại nhấn mạnh. Theo ông Đại, Bộ GD&ĐT nên giữ ổn định phương án thi 2017 trong vài năm. Với phương án mới, Bộ công bố trước để giáo viên, HS biết và có những tiếp cận dần với việc dạy – học phù hợp với thi tích hợp”.

Khá nhiều chuyên gia cũng đồng tình việc Bộ GD&ĐT giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia như năm 2017, đồng thời có công bố sớm phương án kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học để giáo viên, HS không ngỡ ngàng. Đặc biệt, để HS các khóa sau biết trước và có thời gian chuẩn bị, định hướng học tập tốt.

Bộ GD&ĐT cùng các trường xem xét phương án tổ chức 2 bài thi tổ hợp. Việc tổ chức thành 3 môn thi tách biệt, thực chất là giúp các trường ĐH, cao đẳng thuận lợi trong xét tuyển, nhưng lại khiến công tác ra đề, tổ chức thi, chấm thi trở nên phức tạp, trong khi thí sinh lại mệt mỏi vì phải thi 3 môn thi liên tiếp trong cùng một khoảng thời gian.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam