Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PPP vẫn chưa rõ cơ chế chia sẻ rủi ro

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư hay không… là một trong những nội dung quan trọng, nhận được nhiều ý kiến quan tâm xung quanh Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đây được đánh giá là cơ chế hết sức đặc biệt của Dự Luật để hấp dẫn được các nhà đầu tư.

 Đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Trần Điệp
Chia sẻ theo phương thức nào?
Cơ chế chia sẻ rủi ro trong Dự án Luật PPP là một trong những nội dung gây tranh luận nhiều nhất trong các phiên thảo luận tại Quốc hội cũng như các hội thảo liên quan. Trong đó, dù cơ bản nhất trí phải có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư dự án PPP nhưng các ý kiến đều thấy băn khoăn trước những điều khoản được đề xuất. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội hai phương án quy định về chia sẻ rủi ro. Theo đó, phương án 1 chia sẻ rủi ro về doanh thu và xác định rõ căn cứ, điều kiện áp dụng, cơ sở xác định các mức tăng tỷ lệ trong cơ chế này... Phương án 2 chia sẻ phần lỗ, lãi của dự án.
Khi đưa ra thảo luận, đa số ĐB tán thành với phương án 1 với lý do chung là kiểm soát qua doanh thu sẽ bảo đảm thuận lợi và minh bạch hơn. Theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang), để thu hút nguồn lực và tạo sự bình đẳng trong các thành phần kinh tế vào dự án PPP thì việc chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư là vấn đề quan trọng. "Nhà nước chia sẻ rủi ro với DN mà nguyên nhân lỗ là do họ điều hành, quản trị kém thì không hợp lý" - ĐB nhấn mạnh.
Từ những phân tích cụ thể về doanh thu của dự án PPP, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, không nên dựa vào con số lỗ lãi của dự án để thiết kế cơ chế chia sẻ giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Cần quy định chặt chẽ trong Dự Luật phương thức kiểm soát doanh thu dựa trên kiểm soát lượng khách hàng sử dụng dịch vụ công theo cam kết như trong dự án và trong hợp đồng. Nhiều ý kiến khác cũng nhận định, việc sử dụng lợi nhuận/lỗ làm cơ sở để xác định chia sẻ rủi ro sẽ khiến Chính phủ phải chịu cả nguy cơ rủi ro về chi phí và rủi ro về doanh thu, cơ chế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào độ chính xác và tính minh bạch trong công tác báo cáo tài chính của DN PPP. Do vậy, sẽ đơn giản và minh bạch hơn khi đưa ra cơ chế chia sẻ rủi ro dựa trên doanh thu.
Không nên quy định cứng 50% - 50%
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, vấn đề này chỉ nên quy định khung trong Luật PPP, không nên đi vào chi tiết quy định cách thức, tỷ lệ chia sẻ rủi ro của Nhà nước. Trong chia sẻ rủi ro nên bổ sung thêm biện pháp bảo lãnh trách nhiệm thực hiện hợp đồng của cơ quan Nhà nước.
Theo ĐB, hiện nay, hợp đồng PPP không được tôn trọng diễn ra khá phổ biến. Điều này gây lo ngại rất lớn đối với các nhà đầu tư tư nhân. Về cơ sở xác định tỷ lệ trong cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, để bảo đảm sự bình đẳng và mang đúng bản chất của đối tác công - tư thì tỷ lệ cố định của chia sẻ rủi ro 50% - 50%, ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cho rằng chưa hợp lý. Khi doanh thu giảm sẽ có 2 lý do, có thể do quy hoạch và chính sách thay đổi thì tỷ lệ chia sẻ như trên là hợp lý. "Nhưng khi quy hoạch và chính sách không có thay đổi mà doanh thu vẫn giảm thì chúng ta phải xác định rõ lỗi thuộc nhà đầu tư ở mức độ nào, lỗi thuộc Nhà nước mức độ nào để điều chỉnh tỷ lệ, không nên quy định cứng 50% - 50%" – ĐB đề xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong dự án PPP là một cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của Dự án Luật này, nếu thiếu, sẽ không thể hấp dẫn được các nhà đầu tư. Bộ trưởng cũng khẳng định, cơ chế chia sẻ rủi ro về tăng giảm doanh thu của Dự Luật đã được nghiên cứu, thảo luận, phân tích, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm phản ánh, kiểm soát được tình hình tài chính của DN.