Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Premier League thời… cúm A/H1N1

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuần này, Cơ quan Bảo vệ Y tế Anh (HPA) đã đưa ra một khuyến cáo đặc biệt: Các cầu thủ nên tránh nhổ nước bọt trên sân vì thói quen đó tạo ra nguy cơ lây nhiễm cúm khá cao.

KTĐT - Tuần này, Cơ quan Bảo vệ Y tế Anh (HPA) đã đưa ra một khuyến cáo đặc biệt: Các cầu thủ nên tránh nhổ nước bọt trên sân vì thói quen đó tạo ra nguy cơ lây nhiễm cúm khá cao. 

Khi xứ sở sương mù nói riêng và châu Âu nói chung đang bước vào mùa đông, mùa cao điểm của dịch cúm với những ám ảnh về một đợt bùng phát cúm A/H1N1 mới, lời cảnh báo trên dành cho các cầu thủ xem ra không thừa.

Premier League đang hồi hộp khi liên tiếp vài ngày qua là các thông tin về dịch cúm A/H1N1 tấn công giải. Blackburn đã có ít nhất 3 trường hợp nhiễm bệnh với hai cái tên được công bố là tiền vệ David Dunn cùng hậu vệ Christopher Samba. Bolton cũng tiết lộ có 4 cầu thủ mắc cúm A/H1N1, song đã bình phục.

Nhưng, để hạn chế những thói quen xấu như nhổ nước bọt trên sân lại không hề đơn giản chút nào. Dù đây là một hành vi không đẹp song dường như, nó đã thành… thói quen với các cầu thủ! Khó mà bắt họ thi đấu suốt 90 phút mà không đôi lần “vương vãi” ra sân.

Đó là chưa kể các trọng tài cũng không dễ xử lý. Chẳng lẽ, một lần nhổ nước bọt lại dẫn đến thẻ vàng hay cảnh cáo? Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm cúm còn khá cao qua những thói quen tích cực khác như cầu thủ hai đội ôm hôn, đổi áo cho nhau lúc hết trận.

Câu hỏi đặt ra lúc này là, liệu trong trường hợp một đội có nhiều cầu thủ bị cúm A/H1N1, các trận đấu sắp diễn ra của họ có bị hủy bỏ? Premier League vừa chứng kiến câu chuyện của Blackburn. Dunn và Samba bị phát hiện nhiễm cúm A/H1N1 trước trận gặp Chelsea cuối tuần qua (Blackburn thua thảm bại 0-5). Cho dù Blackburn đã thông báo lên ban tổ chức giải về vấn đề này song chính họ cũng không đề nghị hoãn trận đấu bởi như HLV Sam Allardyce nhận xét: “Chẳng có nghĩa lý gì vì ban tổ chức chắc chắn không đồng ý”.

Lập luận quen thuộc của ban tổ chức là khi một CLB còn đủ một đội hình thi đấu, họ vẫn phải ra sân. Việc hoãn trận đấu chỉ được xem xét tùy tình huống cụ thể và phải ở mức độ nghiêm trọng.

Lấy ví dụ ở Premier League năm 2006, trước trận đấu gặp West Ham mang ý nghĩa quan trọng, có tới 10 cầu thủ Tottenham bị ngộ độc thực phẩm song ban tổ chức đã bác bỏ đề nghị hoãn của Tottenham.

Chưa có nhiều biện pháp phòng chống cúm A/H1N1 được ban tổ chức Premier League áp dụng ngoài những lời khuyên chung chung như các CLB cần tuân theo quy định về vệ sinh của cơ quan hữu quan. Nhưng nếu dịch bệnh trầm trọng hơn ở xứ sở sương mù trong mùa đông và Chính phủ Anh khuyến cáo ngừng các hoạt động công cộng như bóng đá, ban tổ chức Premier League sẽ phải quyết định hoặc hoãn giải hoặc thi đấu trong tình trạng không khán giả, giống như đã xảy ra ở Mexico cuối mùa giải năm ngoái khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát.

Lúc này, đáng lo ngại nhất là Chelsea. Sau chuyến làm khách tới Stamford Bridge cuối tuần qua, Blackburn cho biết ngoài 2 cầu thủ bị cúm A/H1N1 không thi đấu đã có một cầu thủ khác của họ sau trận đấu bị phát hiện cũng nhiễm bệnh. Ngoài ra, hai thành viên ban huấn luyện cũng rơi vào tình trạng tương tự, trong đó có bác sĩ của đội.

Mặc dù vậy, HLV Carlo Ancelotti của Chelsea tỏ ra không lo lắng: “Chẳng có gì phải ngại cả. Virus có ở khắp mọi nơi chứ không chỉ trên sân cỏ. Tôi tin rằng đội ngũ y tế CLB sẽ có những biện pháp phòng ngừa thích đáng và hiệu quả”. Còn nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì sao? Ancelotti tự tin với phương pháp điều trị của mình: “Tôi biết rất rõ phải làm gì khi bị cúm. Đây là đơn thuốc của bà tôi: sữa nóng và đồ uống có cồn. Tốt nhất là rượu vang đỏ. Hiệu quả tuyệt vời”.