Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quà Hà Nội

Lê Thành Nam Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm vừa rồi, nhà văn Trương Quý và họa sĩ trẻ Đặng Hồng Quân cho ra mắt 2 cuốn sách về ẩm thực, trong đó “Lê la Hà Nội” là cuốn tranh truyện sinh động khắc họa không gian ẩm thực của những món ăn vỉa hè. Rõ là phải lê la mới thẩm thấu hết những tinh túy của nhiều món ăn mà hình như đã mất hết cả hồn cốt khi đưa vào những nhà hàng máy lạnh…

 
Vỉa hè nhưng có thương hiệu hẳn hoi, không phải là quán cóc, đột ngột mọc lên vài ngày Tết để chặt chém kẻ ngơ ngác. Những ngày Tết, cửa hàng cửa hiệu lớn đa số đều đóng cửa nghỉ đến gần Rằm, chỉ những quán vỉa hè mới mở và cũng chỉ tập trung chủ yếu ở mạn phố cổ, quanh Hồ Tây. Phong trào mở hàng quà trong mấy ngày Tết có ở Hà Nội dễ ngót hai chục năm.
Ban đầu còn lác đác, nay đã phát triển theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Có những hàng trên phố Hàng Điếu, Hàng Gà… còn chăng băng rôn đỏ chói: “Phục vụ xuyên Tết 24/24”. Đám thanh niên đi chơi xuyên đêm 30 chẳng còn lo bị đói… qua 2 năm. Đã có những hàng phở, hàng bún, miến… đủ các món xì xụp, chan húp chăng đèn bán qua giao thừa, dọc các phố cổ. Thật tiện lợi, bởi người Hà Nội đón giao thừa cũng dồn về quanh Hồ Gươm, dẫu đông nghẹt người thì cái cảm giác xáo động trong lòng vẫn rất lạ. 
Quà Tết Hà Nội có bao thứ để chọn. Sớm mùng Một đi lễ phủ Tây Hồ, sau đó ghé quán bún ốc ngay bên ngoài phủ. Tết người ta hay nói ngán bởi thịt mỡ, bánh chưng, đó là chuyện của ngày xưa. Bây giờ người ta chuẩn bị một cái Tết không chỉ toàn chất đạm như thế.
Cơ mà gần Tết, ai cũng bận mải với bao trách nhiệm và nghĩa vụ, hiếm người được thư nhàn mà nhâm nhi một món ăn ưa thích. Bởi thế mùng Một và những ngày trong Tết là thời gian phù hợp để tự chiều mình. Bún ốc phủ Tây Hồ nổi tiếng từ xưa, gần đây hơi chùng lại do những thông tin về Hồ Tây ô nhiễm.
Cơ mà đầu năm dẹp đi, để thưởng thức một món ngon của đất ngàn năm. Đó là chưa kể, nếu nhớ mùi Tết xưa, thì không đâu thích hợp hơn chốn này. Không khí se se lạnh hoặc lạnh buốt cũng ấm lên nhờ mùi khói, hương phảng phất, nếu có chút mưa Xuân giăng giăng thì càng tuyệt. Hãy ngồi xuống một góc bàn, chờ được thưởng thức thứ nước dùng chua chua, cay cay nóng bỏng môi.
Trong khi mắt thỏa thuê ngắm rổ rau sống mơn mởn với rau diếp xanh mỡ, thơm láng, mùi, kinh giới, hoa chuối lẫn trong những cọng rau muống chẻ tay xoắn xuýt vào nhau. Ốc không cần nhiều nhưng là ốc mít vàng óng, thấp thoáng trong bát bún. Bún ốc muốn ngon là phải ăn được cay, dùng ớt chưng đỏ sậm mới đúng vị.

Bún ốc ngon còn một vài lựa chọn nữa là bún ốc Khương Thượng, nhưng bán đến sáng 30 và mùng 3 mới mở hàng. Quán nằm sâu trong ngõ nhỏ, có từ hơn 40 năm nay. Chỉ quanh con ốc, nhưng thực đơn phong phú, ngoài bún ốc còn có chả ốc, nem ốc, chạo ốc, thậm chí lẩu ốc.
Đáng kể nhất là bún ốc chuối đậu. Lạ miệng nhờ nước dùng sánh đậm đà, chua dịu/ốc to tròn, béo ngậy/chuối om chín tới không sượng, không nát. Hoặc là bún ốc bà Sáu ở phố Mai Hắc Đế, chỗ ngồi tuy chật chội nhưng cũng đáng khi bạn bưng trên tay tô bún tươm tất.

Vẫn lân la họ bún, một địa chỉ nên qua là bún riêu Nam Bộ ở ngã tư Hàng Bông - Phủ Doãn. Bún nấu theo phong cách miền Nam, nhưng gia giảm vị ngọt đủ để chiều lòng thực khách Bắc. Bát bún có móng giò, mấy miếng đậu rán khéo, giò tai… Nhưng bản sắc nhất là một viên chả cua đồng trộn thịt băm, béo ngậy vị gạch cua đồng mà không hề gây ngán. Thực khách nhiều người chẳng ngại bưng bát bún trên tay xì xụp...

Khách sành ăn ít người không biết gánh bánh đa đỏ/miến cua của chị Hạnh ở phố Lý Thường Kiệt. Vòng trong vòng ngoài đông nhất là tầm 5 - 6 giờ chiều. Chị Hạnh bán từ 2 giờ mỗi ngày, đến xâm xẩm tối. Bàn ghế thì rất “nôm na”, ớt chưng dấm tỏi chả đủ mỗi bàn một bộ, đã thế cô chủ còn… không bình thường, thời chưa lấy chồng luôn quàu quạu với khách nữ, chỉ niềm nở với khách nam.
Ấy thế mà tôi đã ăn quà của chị Hạnh từ khi chưa “gì” đến nay con trai đầu lòng đã 17 tuổi. Bởi bát bánh đa cua của chị rõ thực thấm thía vị cua đậm đà, rau muống, rau dút trần trong nước dùng quện mỡ. 45 ngàn một bát nếu bạn ăn đủ cả 2 thanh giò tai giòn ngọt, Tết cũng không nâng giá bao nhiêu. Âu cũng là một phong cách bán hàng văn minh.

Sáng mùng Hai, nên quành qua hàng miến lươn Hàng Điếu, chỗ đối diện với chợ Hàng Da. Cứ nhìn tủ kính đầy vun lươn khô giòn và dãy nồi quân dụng nước dùng sôi sùng sục đủ thấy thèm ăn. Nhiều khi chả biết là thèm cảm giác cắn miếng lươn giòn tan, hay nhớ vị hành răm thơm thơm tê tê đầu lưỡi. Giá đỗ chần thêm để cho đỡ háo nước, may nồi nước dùng cứ sục sôi nên không làm bát miến bị nguội bớt.
Tất cả những món “nước nước” này tiêu chuẩn đầu tiên là nước phải bỏng lưỡi mới ngon. Bởi thế, nước dùng phải là cái sôi âm ỉ hàng giờ, mới thỏa mãn người biết ăn. Người Hà Nội hiểu là quanh mạn 36 phố phường luôn có đồ ăn ngon, đơn giản vì không ngon thì không thể tồn tại. Tại “tổ hợp” lươn này, miến trộn cũng là một lựa chọn tốt. Nước sốt chua ngọt đậm vị, miến trộn ăn kèm với dưa chuột ngâm giòn ngọt, giời hình như cũng đỡ hanh hao.

Còn món ngon nữa là bún lưỡi phố Chân Cầm, cũng bán xuyên Tết. Tôi đặc biệt thích không khí Kẻ Chợ ở những con phố nhỏ loanh quanh bàn cờ này, lúc nào cũng nhộn nhịp tinh thần của một Hà Nội không hề thong thả nhưng cũng chả quá gấp gáp.
Bún lưỡi Chân Cầm cũng là quán vỉa hè, nằm dưới tán cây đa to. Bún thửa riêng, sợi to, lưỡi làm tinh ươm, luộc chín tới, thái không dày không mỏng. Nước dùng ngọt lịm mà thanh, thoảng vị chua của mẻ hay bỗng gì đó. Bát bún nhìn màu sắc như một bức tranh với những dải dọc mùng bóp muối kỹ, ướp nghệ vàng hươm, phụ họa với những lát cà chua còn nguyên miếng nhưng động vào là biết đã được om chín nhừ, mấy cọng hành trần sơ, trắng xanh ẩn hiện trong nước dùng óng ánh. Đây cũng là một món ngon, lạ miệng, tuy không được nhớ đến nhiều như bún riêu, bún ốc trong mấy ngày Tết.